Back

Giảng dạy tình huống trong kinh tế học

Tác giả: Châu Văn Thành

Giảng dạy bằng phương pháp tình huống đang là một xu thế ở hầu hết các trường đại học, nhất là ở các trường tốt trên thế giới. Bài viết này nhằm chia sẻ hai vấn đề: (1) Giảng tình huống và sử dụng phương pháp tình huống trong Kinh tế học; và (2) Sử dụng hữu hiệu các Newsclip (bản tin chuyên môn) và Case study (tình huống) trong lĩnh vực kinh tế nói chung và kinh tế học nói riêng.

Mục tiêu của việc giảng dạy Kinh tế học là nhằm giúp sinh viên “suy nghĩ như một nhà kinh tế”. Suy nghĩ như một nhà kinh tế không chỉ bao gồm những kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề mà còn kỹ năng sáng tạo, qua đó giúp “xác định cách thức đặt câu hỏi, công cụ và những nguyên lý áp dụng vào từng vấn đề cụ thể, thông tin và dữ liệu phù hợp với những vấn đề đó, và cách thức hiểu hay giải thích các kết quả ngoài dự kiến” (Siegfried et al., 1991, p. 199).

Có rất nhiều phương pháp giảng dạy đang được triển khai ở các giảng đường đại học; như là giảng bài (Lecture), giảng bài kết hợp với thảo luận (Lecture With Discussion), tranh luận giữa các chuyên gia (Panel of Experts), nêu nhanh ý tưởng (Brainstorming), học qua Video (Videotapes), thảo luận trên lớp (Class Discussion), thảo luận nhóm nhỏ (Small Group Discussion), Tình huống (Case Studies), đóng vai (Role Playing), báo cáo nhóm trên diện rộng cả lớp (Report-Back Sessions), khảo sát cá nhân/nhóm (Worksheets/Surveys), thỉnh giảng chuyên đề (Guest Speaker)… Mỗi phương pháp đều có điểm mạnh và điểm yếu.

Giảng truyền thống là việc giảng bài, giải bài tập, trả lời câu hỏi lý thuyết và ít thảo luận trên lớp. Dù phương pháp này vẫn làm tốt vai trò chuyển tải thông tin và kiến thức. Tuy vậy, phương pháp tình huống được quan tâm ngày càng nhiều hơn.

Tình huống là câu chuyện/sự kiện yêu cầu nhóm/cá nhân ra quyết định/giải quyết vấn đề. Tình huống cung cấp thông tin, mô tả sự kiện mà không đi sâu phân tích; hầu hết các tình huống là những câu chuyện dạng tường thuật, kèm biểu bảng, dữ liệu, biểu đồ, hình vẽ, đồ thị…

Phương pháp tình huống có 3 cấu thành quan trọng: (1) Nội dung tình huống; (2) Chuẩn bị của sinh viên; và (3) Thảo luận trên lớp. Do vậy, giảng theo phương pháp tình huống chính là giảng theo cách thảo luận, có sự chuẩn bị của sinh viên (cá nhân/nhóm), đồng thời tạo ra sự tranh luận trên lớp để tìm ra giải pháp cho vấn đề trong tình huống đặt ra.

Theo Velenchik (1995) thì trong giảng dạy, phương pháp tình huống có ưu thế vì phương pháp này có thể đáp ứng bốn vấn đề giáo dục. Thứ nhất, thúc đẩy học lý thuyết; thông qua nôi dung tình huống và những gì tranh luận, sinh viên nhận ra không đủ công cụ nên kích hoạt nhu cầu học lý thuyết. Thứ hai, áp dụng lý thuyết; có nhiều lý thuyết và mô hình trong quá trình học, để xử lý một vấn đề cụ thể, sinh viên sẽ phải xác định lý thuyết phù hợp nhằm giải quyết vấn đề đặt ra. Thứ ba, sử dụng bằng chứng; một ý tưởng tranh luận có thể thuyết phục người khác sẽ phải yêu cầu bằng chứng cụ thể, không nói chung chung; do vậy, để lôi kéo người khác ủng hộ ý kiến của mình, sinh viên cần tự mình dò tìm bằng chứng phù hợp ủng hộ lập luận của họ. Cuối cùng, vượt qua giới hạn lý thuyết; trong khi các mô hình lý thuyết chỉ dừng lại ở các kết quả mang tính kinh tế thì phương pháp tình huống sẽ giúp sinh viên đối mặt với kết cục phi kinh tế của các quyết định kinh tế.

Ngoài ra, phương pháp tình huống có thể giúp cung cấp các kỹ năng nhận thức từ thấp đến cao Theo Bloom (1956), các kỹ năng nhận thức bao gồm các kỹ năng bậc thấp như kiến thức, hiểu biết và áp dụng đến các kỹ năng cao hơn như phân tích, tổng hợp và đánh giá. Tùy vào mục tiêu giảng dạy và các yêu cầu thiết kế môn học ở các cấp độ, giảng viên có thể sử dụng tình huống ở những mức độ tương thích để có thể chuyển tải các kỹ năng này đến sinh viên của mình.

Hai tiếp cận phổ biến của phương pháp tình huống trong giảng dạy Kinh tế học

Tiếp cận thứ nhất – Sử dụng Newsclips nhằm hỗ trợ bài giảng/hội thảo. Thực chất tiếp cận này là dùng bài báo ngắn (Newsclip) để định hướng sinh viên khám phá vấn đề, kích hoạt kỹ năng phân tích. Tiếp cận này khá đơn giản, không yêu cầu nhiều thời gian chuẩn bị; đồng thời giúp làm quen với tiếp cận thứ hai.

Newsclip chính là các bản tin “News” có nguồn hay cụ thể hơn đó chính là các bài báo/bài viết chuyên đề ngắn (short newspaper article). Ví dụ như các bài báo/bài viết trên các tạp chí chuyên ngành (kinh tế, tài chính) có cấu trúc tốt. Thường thì các Newsclip lý tưởng có độ dài vào khoảng 500 từ (bài viết dài hơn thường từ 500-1500 từ). Nội dung các Newsclip này có tính phức hợp chính trị, kinh doanh, kinh tế và lý thuyết. Do vậy, những trang báo chuyên ngành là nguồn lý tưởng để chúng ta có thể lựa ra những sản phẩm phù hợp.

Theo Bredon (1999) có 4 loại Newsclip được dùng giảng Kinh tế học. Thứ nhất, Osmotic newsclips; có thể được hiểu là các bản tin mô tả tin tức và sự kiện, các cách xử lý và kết quả kéo theo. Thứ hai, Case study newsclips; đây là bài viết làm bật lên những tình thế lưỡng nan, có câu hỏi và phân tích đi kèm. Thứ ba, Focused newsclips; có thể nhận ra loại hình này là các bản tin chuyên sâu tập trung nói về một nguyên lý/lý thuyết kinh tế (Ví dụ như Đường Phillips có còn tồn tại?). Cuối cùng, Reworked newsclips; thực chất là các bản tin được viết lại bởi tác giả/giảng viên sử dụng (Ví dụ như Việt Nam có nên phá giá VND?).

Tiếp cận thứ hai – Sử dụng tình huống nhằm tạo thách thức/tình thế lưỡng nan cho sinh viên khi ra quyết định, định hình chiến lược và phải chuẩn bị để có thể giải thích/bảo vệ lập luận của chính mình. Tiếp cận này yêu cầu dùng tình huống dài/phức hợp hơn. Thời gian trên lớp phần lớn dành cho sự tương tác chủ yếu giữa những người học; trong khi đó, giảng viên chỉ đóng vai trò tổ chức, dẫn dắt và tóm lược.

Phương pháp giảng bằng tình huống hướng đến sự tương tác tích cực đa chiều. Nội dung tài liệu và tình huống chuyển đến cả giảng viên và sinh viên; giảng viên sẽ chỉ đóng vai trò dẫn dắt và điều phối sự tương tác giữa các sinh viên với nhau dựa trên nội dung tình huống và tài liệu. Quá trình này tạo ra sự kích hoạt làm việc liên tục mang tính sáng tạo trong khuôn khổ của bối cảnh cụ thể; từ đó tăng cường nhu cầu học và thực hành mà thông qua đó các kỹ năng nhận thức từ thấp đến cao sẽ được hấp thu dần đến người học.

Đối với sinh viên, nhiệm vụ thông thể thiếu trong quá trình học bằng phương pháp tình huống mà giảng viên cần thiết kế và yêu cầu sinh viên hoàn thành, bao gồm: câu hỏi nghiên cứu (Study question); khuyến khích tham gia (Encourage conversation); và viết bài thu hoạch cuối cùng (Written assignment).

Đối với giảng viên, trong suốt buổi giảng dạy bằng phương pháp tình huống cần tuân thủ quy trình thảo luận, bao gồm: (1) Giới thiệu (Introduction); (2) Đóng vai (Role-play); (3) Thúc đẩy tham gia (Generate participation); (4) Lắng nghe tích cực (Active listening); (5) Sử dụng bảng (Use of the white board); và (6) Duy trì kế hoạch tiến độ (Keep to the teaching plan).

Thế nào là một tình huống Kinh tế học hay?

Bạn không thể thành công chỉ bằng sự chuẩn bị công phu hay thảo luận sôi nổi với một tình huống quá tồi. Một tình huống hay sẽ phải thỏa những tiêu chí cơ bản. Thứ nhất, tối đa hóa mục tiêu giảng dạy (Pedagogical utility). Thứ hai, tạo ra sự mâu thuẫn, kịch tính, lưỡng nan (Conflict provoking). Thứ ba, thúc đẩy ra quyết định (Decision forcing). Thứ Tư, khái quát, tổng hợp cao (Generality). Thứ năm, ngắn gọn, khúc chiết (Brevity). Thứ sáu, bao hàm thông tin định lượng (Quantitative information). Cuối cùng, vấn đề về yêu cầu kiến thức không quá phức tạp và quá rộng (Institutional and historical knowledge)

Xem thêm chi tiết bài viết của thầy Châu Văn Thành – Giảng tình huống trong kinh tế học.