MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
Thạc sĩ Kinh tế Phát triển
Trình độ đào tạo: Cao học (hướng nghiên cứu)
Loại hình đào tạo: Chính quy
Chương trình Thạc sĩ Kinh tế Phát triển của Khoa Kinh tế trang bị cho người học nền tảng kiến thức vững chắc về các vấn đề kinh tế-xã hội mà các quốc gia đang phát triển phải đối mặt và rèn luyện những kỹ năng phân tích thiết yếu để vận dụng kiến thức vào các tình huống cụ thể trong công việc hoặc theo đuổi các chương trình học cao hơn. Cụ thể, mục tiêu của chương trình là đào tạo và phát triển các nhà phân tích chính sách kinh tế-xã hội với những phẩm chất thiết yếu bao gồm:
- Nắm vững những nguyên lý kinh tế học của các vấn đề kinh tế-xã hội căn bản mà các quốc gia đang phát triển phải đối mặt.
- Có khả năng vận dụng những kiến thức chuyên môn này để phân tích các vấn đề thực tế gặp phải trong công việc.
- Nắm vững các nguyên tắc khoa học và sử dụng tốt các công cụ phân tích số liệu để có thể thu thập và xử lý dữ liệu một cách đúng đắn và tinh tế nhằm tìm ra những thông tin khoa học xác thực trong những điều kiện giới hạn.
- Có khả năng nghiên cứu độc lập và cập nhật các kiến thức khoa học.
ĐỐI TƯỢNG TUYỂN SINH
Với trọng tâm nghiên cứu các vấn đề kinh tế-xã hội mà các nước đang phát triển phải đối mặt, Chương trình thích hợp cho các đối tượng sau:
Những người đang công tác hoặc có dự định sẽ công tác trong khu vực công ở các cấp muốn trang bị cho mình một nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc và kỹ năng thiết yếu để có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao phó.
Những người đang làm việc hoặc có dự định sẽ làm việc cho các tổ chức phát triển quốc tế, hoặc các tổ chức phi chính phủ muốn xây dựng cho mình những hiểu biết sâu sắc về các bài toán kinh tế-xã hội mà các quốc gia và vùng miền/địa phương trong thế giới hiện đại đang phải đối mặt, và phát triển những kỹ năng cần thiết để tìm kiếm lời giải cho các bài toán này.
Những người đang làm việc hoặc có dự định sẽ làm việc cho các công ty tư nhân trong các lĩnh vực có liên hệ sâu sắc với các vấn đề kinh tế-xã hội (ví dụ như nông nghiệp, giáo dục, y tế, môi trường) muốn trang bị những hiểu biết về các vấn kinh tế-xã hội dưới một góc nhìn đa diện và phát triển những kỹ năng thiết yếu để có thể phân tích và đưa ra những chiến lược kinh doanh hài hòa lợi ích của công ty với sự phát triển chung của toàn xã hội nhằm xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp.
Những ai muốn trở thành các nhà tư vấn độc lập, hoặc làm việc cho các tổ chức tư vấn trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội muốn xây dựng cho mình một nền tảng kiến thức vững chắc và những kỹ năng thiết yếu để trở thành một nhà tư vấn độc lập thành công.
Những ai muốn nghiên cứu về các vấn đề kinh tế-xã hội của thế giới đương đại nói chung và bối cảnh Việt Nam nói riêng sẽ khám phá được rất nhiều điều thú vị, bổ ích, và đầy thử thách khi tham gia chương trình này.
CHƯƠNG TRÌNH CHI TIẾT
Nội dung đào tạo
Các môn học trong chương trình được phân chia theo ba nội dung chính: cung cấp cơ sở lý luận, cung cấp kiến thức chuyên ngành, và trang bị kỹ năng phân tích.
Các môn học cơ sở lý luận sẽ cung cấp cho người học những kiến thức tổng quát đặt nền móng phát triển tư duy và kỹ năng phân tích. Người học sẽ được tìm hiểu những tư tưởng có ảnh hưởng sâu sắc của các học giả trong lịch sử xã hội loài người về các vấn đề kinh tế-xã hội nền tảng trong môn Triết học. Hai môn Kinh tế Vi mô và Kinh tế Vĩ mô sẽ giúp cho người học làm quen với các khái niệm và công cụ phân tích thiết yếu được sử dụng trong những môn học sau; môn Kinh tế Phát triển trang bị lý luận nền tảng về các vấn đề kinh tế-xã hội quan trọng của các quốc gia đang phát triển.
Các môn học kiến thức chuyên ngành giúp người học phát triển khả năng vận dụng kiến thức và kỹ năng đã học được một cách trực tiếp vào các vấn đề cụ thể. Người học sẽ được làm quen với cách thức ứng dụng các lý thuyết kinh tế vào rất nhiều các tình huống thực tiễn trong môn Kinh tế học Ứng dụng. Môn Kinh tế Môi trường ứng dụng các phân tích kinh tế vào các vấn đề về môi trường, và đặc biệt quan trọng là biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển. Kinh tế và Các Tổ chức Thương mại Quốc tế sẽ trang bị cho người học những hiểu biết từ góc độ kinh tế về chức năng của các tổ chức thương mại quốc tế có ảnh hưởng rất lớn đến các nước đang phát triển. Môn Tài chính Phát triển sẽ ứng dụng các nguyên lý kinh tế học để nghiên cứu bản chất vận hành và chức năng của thị trường tài chính, và cách thức xây dựng một thị trường tài chính hiệu quả và ổn định nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội. Môn học Phân tích hành vi người tiêu dùng cung cấp cho người học khung phân tích và phương pháp phân tích các cách thức ra quyết định khác nhau của người tiêu dùng trên thị trường. Môn học Kinh tế và quản lý đô thị thảo luận và phân tích các vấn đề về sử dụng đất đô thị, phân bổ lao động theo không gian, giao thông đô thị và các vấn đề xã hội đô thị. Các mô hình sản xuất trong khu vực nông nghiệp cũng như các vấn đề tổ chức xã hội nông thôn sẽ được phân tích trong môn học Kinh tế Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các môn học về kỹ năng phân tích trang bị cho người học những kỹ năng và công cụ thiết yếu sử dụng trong phân tích. Môn Kinh tế lượng Ứng dụng sẽ giúp cho người học nắm vững các nguyên lý phân tích và sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên dụng để có thể khai thác một cách tốt nhất những dữ liệu có được nhằm tìm ra các chứng cứ xác thực cho những luận điểm của mình. Bên cạnh đó, môn Tiếng Anh sẽ trang bị cho người học công cụ không thể thiếu cho bất kỳ ai muốn thành công trong xã hội hiện đại. Khác với những môn tiếng Anh thông thường, môn học này được thiết kế nhằm giúp cho người học xây dựng và phát triển khả năng đọc hiểu các tài liệu khoa học chuyên ngành để có thể nghiên cứu độc lập và cập nhật kiến thức. Môn học Phương pháp Nghiên cứu Kinh tế sẽ cung cấp cho người học những phương pháp nghiên cứu khoa học để giải quyết một bài toán kinh tế-xã hội gặp phải.
Sau cùng, người học sẽ thực hiện luận văn tốt nghiệp. Luận văn, hay đề tài nghiên cứu, sẽ giúp người học vận dụng tất cả những kiến thức và kỹ năng đã tích lũy được trong suốt chương trình học để phân tích và tìm kiếm các giải pháp cho một vấn đề thực tế cụ thể tuân thủ theo các tiêu chuẩn khoa học. Người học sẽ phải trình bày và bảo vệ các luận điểm của mình trước hội đồng khoa học.
Mã số HP | Các học phần trong chương trình | Tính chất | Tín chỉ | Tên học phần (tiếng Anh) | ||
Kiến thức chung | 11 | Foundation | ||||
1 | PHI501 | Triết học | C | 4 | Philosophy | |
2 | ENG502 | Ngoại ngữ | C | 4 | English language | |
3 | RES503 | Phương pháp nghiên cứu khoa học | C | 3 | Research methods | |
ECOD | Kiến thức cơ sở và chuyên ngành | 35 | Specialization | |||
4 | ECOD510 | Kinh tế vi mô | C | 3 | Microeconomics | |
5 | ECOD511 | Kinh tế vĩ mô | C | 3 | Macroeconomics | |
6 | ECOD512 | Kinh tế phát triển | C | 3 | Development economics | |
7 | ECOD513 | Kinh tế lượng ứng dụng | C | 4 | Applied econometrics | |
8 | ECOD514 | Phương pháp nghiên cứu kinh tế | C | 2 | Methods of economic research | |
9 | ECOD515 | Kinh tế học ứng dụng | C | 2 | Applied economics | |
Tự chọn (học 9 trong 13 môn: 2 X 9 =18) | ||||||
10 | ECOD521 | Phân tích hành vi người tiêu dùng | O | 2 | Consumer behaviour analysis | |
11 | ECOD522 | Kinh tế học sản xuất | O | 2 | Production economics | |
12 | ECOD523 | Kinh tế môi trường | O | 2 | Environmental economics | |
13 | PUFIN5112 | Tài chính công | O | 2 | Public finance | |
14 | ECOD524 | Tài chính phát triển | O | 2 | Development finance | |
15 | FIN5122 | Tài chính quốc tế | O | 2 | International finance | |
16 | ECOD525 | Kinh tế và các tổ chức thương mại quốc tế | O | 2 | Economics and international trade organizations | |
17 | ECOD526 | Phân tích kinh tế | O | 2 | Economic analysis | |
18 | ECOD527 | Kinh tế lao động | O | 2 | Labor economics | |
19 | ECOH5141 | Kinh tế sức khỏe | O | 2 | Health economics | |
20 | ECOD528 | Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn | O | 2 | Agricultural economics and rural development | |
21 | ECOD529 | Thẩm định dự án đầu tư | O | 2 | Project appraisal | |
22 | ECOD530 | Kinh tế và quản lý đô thị | O | 2 | Urban economics and management | |
ECODTHE | Luận văn | 14 | Thesis | |||
Tổng cộng: | 60 |
Tiêu chí tuyển sinh
Tất cả các ứng viên đều phải vượt qua kỳ thi tuyển sinh đầu vào của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh để có thể tham gia chương trình học. Kỳ thi bao gồm ba môn là Anh văn, kiểm tra năng lực dạng GMAT, Kinh tế học (môn chủ chốt); được xây dựng để đảm bảo rằng các học viên tham dự chương trình có một nền tảng kiến thức cơ bản về khoa học kinh tế và các phương pháp tư duy trong nghiên cứu kinh tế, và một khả năng Anh ngữ tốt để có thể theo đuổi chương trình và gặt hái được những kết quả có ý nghĩa.
Văn bằng
Học viên hoàn thành đầy đủ tất cả các khóa học kể trên và bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp của mình sẽ nhận được bằng Thạc sĩ Kinh tế của Đại học Kinh tế Thành Phố Hồ Chí Minh.
GIẢNG VIÊN
(đang cập nhật)