Back

Giảng dạy Hành vi tổ chức ứng dụng bằng tình huống

Sử dụng phương pháp dạy tình huống trong giảng dạy học phần Hành Vi Tổ Chức Ứng Dụng

TS. Thái Trí Dũng (BM QLNNL)

Học phần Hành Vi Tổ Chức Ứng Dụng (HVTCUD) là một trong những học phần quan trọng trong chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành QLNNL là môn học thuộc khối kiến thức cơ sở ngành. Học phần bao gồm các nội dung mang tính lý thuyết và ứng dụng các lý thuyết hành vi vào hoạt động QLNNL.

Để đổi mới phương pháp dạy học bậc đại học, đặc biệt là trong chương trình tiên tiến thì việc sử dụng phương pháp tình huống (case study) trong giảng dạy học phần HVTC là nhằm làm thay đổi cách học thụ động trước đây, phát huy tính chủ động, tích cực và sáng tạo trong học tập, nghiên cứu của sinh viên chuyên ngành QLNNL.

1. Sự cần thiết áp dụng phương pháp dạy bằng tình huống.

Theo Boehrer, J. (1995) “Tình huống là một câu chuyện, có cốt chuyện và nhân vật, liên hệ đến một hoàn cảnh cụ thể, từ góc độ cá nhân hay nhóm, và thường là hành động chưa hoàn chỉnh. Đó là một câu chuyện cụ thể và chi tiết, chuyển nét sống động và phức tạp của đời thực vào lớp học.”

Còn theo Hammond, J.S – Đại học Havard “Case Study hay còn gọi là Case method là phương pháp dạy học thông qua nghiên cứu trường hợp điển hình. Ở đây, người học được giới thiệu một tình huống cụ thể, có thật và được đặt vào vị trí của người ra quyết định để giải quyết vấn đề trong tình huống ấy”

Sự thay đổi nhanh chóng của môi trường quản trị, khoa học, kỹ thuật và công nghệ, cộng đồng kinh doanh ngày càng đòi hỏi ở sinh viên tốt nghiệp nhiều kiến thức và kỹ năng hơn để làm việc. Trường chúng ta đã đưa chương trình tiên tiến vào áp dụng thì đồng thời cũng cần hội nhập với những chuẩn mực giảng dạy mới, trong đó tập trung vào việc nâng cao kỹ năng và nhận thức của người học, sự chủ động và sáng tạo trong suy nghĩ của người học cần được chú trọng và nâng cao. Những yêu cầu về kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng thực hành đối với sinh viên vừa tốt nghiệp là một thách thức với việc giáo dục đào tạo hiện nay và trong tương lai. Phương pháp tình huống (Case Study) đã chứng tỏ là một phương pháp rất hiệu quả trong việc đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn. Nếu tình huống được xây dựng có chất lượng và giảng viên có kỹ năng tốt trong việc giảng dạy bằng phương pháp tình huống thì sẽ tạo ra những cơ hội giúp sinh viên có được những kinh nghiệm thực tế, trau dồi và phát triển được các kỹ năng thực hành cần thiết khi ra trường. Đặc biệt, việc áp dụng lý thuyết vào thực tế, kỹ năng liên kết kiến thức của các môn học khác nhau để giải quyết các vấn đề và ra quyết định. Phương pháp này đã được kiểm nghiệm ở nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới mà điển hình là đại học Harvard – một trung tâm dạy và học bằng tình huống

Ưu điểm nổi bật của phương pháp

Thứ nhất, nâng cao tính thực tiễn của môn học. Sau khi đã được cung cấp các kiến thức lý thuyết, một bài tập tình huống sẽ giúp sinh viên có cái nhìn sâu hơn và thực tiễn hơn về vấn đề lý thuyết đã được học. Thông qua việc xử lý tình huống, sinh viên sẽ có điều kiện để vận dụng linh hoạt các kiến thức lý thuyết.

Thứ hai, nâng cao tính chủ động, sáng tạo và sự hứng thú của sinh viên trong quá trình học. Khác với việc tiếp thu lý thuyết một cách thụ động, khi được giao các bài tập tình huống, các nhóm phải chủ động tìm kiếm và phân tích các thông tin để đi đến giải pháp cho tình huống. Để đáp ứng được yêu cầu này, sinh viên phải chủ động tư duy, thảo luận – tranh luận trong nhóm hay với giảng viên, tìm hiểu thêm về lý thuyết, tài liệu tham khảo để đạt đến giải pháp. Chính trong quá trình tư duy, tranh luận, bảo vệ và sửa đổi các đề xuất – giải pháp của mình, sinh viên (hay nhóm sinh viên) đã tham gia vào quá trình nhận thức. Sự tham gia tích cực đó đã góp phần tạo ra sự hứng thú và say mê học tập, sáng tạo của sinh viên. Đây chính là lúc quá trình dạy và học tập trung vào học phương pháp học, phương pháp tiếp cận, phân tích và tìm giải pháp chứ không chỉ giới hạn ở việc học các nội dung cụ thể.

Thứ ba, nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề, kỹ năng trình bày, bảo vệ và phản biện ý kiến trước đám đông. Để giải quyết tình huống, học viên được yêu cầu làm việc trong nhóm nhỏ. Cả nhóm cùng phân tích và thảo luận để đi đến giải pháp, sau đó trình bày giải pháp của mình cho cả lớp. Lúc này học viên tiếp thu được kinh nghiệm làm việc theo nhóm, chia sẻ kiến thức, thông tin để cùng đạt đến mục tiêu chung. Các kỹ năng như trình bày, bảo vệ và phản biện ý kiến cũng được hình thành trong bối cảnh này. Học viên cũng học được cách tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người khác để làm cho vốn kiến thức của mình phong phú hơn.

Thứ tư, giảng viên – trong vai trò của người dẫn dắt – cũng sẽ tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm và những cách nhìn/giải pháp mới từ phía người học để làm phong phú bài giảng và điều chỉnh nội dung tình huống nghiên cứu. Đây cũng là một kênh quan trọng để giảng viên thu thập kinh nghiệm từ người học.

Thứ năm, các tình huống tốt có tính chất liên kết lý thuyết rất cao. Để giải quyết tốt một tình huống, người học có thể phải vận dụng và điều chỉnh nhiều tập lý thuyết khác nhau. Đây chính là lúc các lý thuyết rời rạc của một môn học được nối lại thành bức tranh tổng thể. Ở mức độ ứng dụng cao hơn, người học không chỉ vận dụng kiến thức của một môn học mà trong nhiều trường hợp phải vận dụng kiến thức của nhiều môn học khác nhau.

Phương pháp tình huống đã bắt đầu được sử dụng trong các trường đại học của Việt Nam nói chung và trường Đại học Kinh Tế TP. HCM nói riêng. Nhiều giảng viên tâm huyết với việc nâng cao chất lượng dạy và học đã áp dụng phương pháp này và thu được những kết quả khá khả quan.

2. Triển khai việc dạy bằng phương pháp tình huống trong học phần HVTCUD

Phương pháp dạy học bằng tình huống gồm có ba thành phần có liên quan với nhau:

Thứ nhất: Nội dung của tình huống cần nêu bật các vấn đề được đặt ra mang tính thực tiễn cao, có tính logic của vấn đề cần được mang ra phân tích, đánh giá cụ thể.

Thứ hai: Phân tích tình huống, từ các vấn đề nêu ra trong tình huống sinh viên xây dựng các câu hỏi cụ thể về các vấn đề cần giải quyết, cần quan tâm, cách thức giải quyết vấn đề trong tình huống.

Thứ ba: Thảo luận tình huống, nêu ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề gắn với nội dung môn học.

Giai đoạn thứ nhất khá quan trọng và đòi hỏi giảng viên cần chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, trong đó nổi bật nhất là nêu được vấn đề hay, mang tính thời sự cao để hấp dẫn người học. Vấn đề nêu ra cần có liên hệ sâu với nội dung bài giảng môn học.

Giai đoạn 2, học viên bắt đầu nhóm họp theo các nhóm nhỏ – nhằm phân tích chủ đề, đưa ra các câu hỏi và giả thiết đầu tiên, phân chia nhiệm vụ cho các thành viên nhóm.

Giai đoạn 3, các thành viên làm việc độc lập theo nhiệm vụ đã được phân chia. Kết thúc giai đoạn 3, từng cá nhân sẽ giới thiệu thành quả làm việc trong nhóm. Cuối cùng mỗi cá nhân tự viết một bản báo cáo. Kèm theo các giai đoạn này thường có các buổi hội thảo trong một nhóm lớn, hoặc các hoạt động thực tế. Việc thảo luận trong nhóm là bắt buộc đối với tất cả các cá nhân, nó không những giúp học viên phát triển được khả năng giao tiếp và các kỹ năng xã hội mà còn phát triển được quá trình nhận thức (đọc hiểu, phân tích, đánh giá,…)

Các bước cụ thể cần tiến hành:

– Bước 1: Giảng viên cần xác định mục tiêu của buổi học, xác định nội dung kiến thức cần truyền đạt về mặt lý thuyết sẽ được cung cấp cho sinh viên thông qua việc áp dụng những tình huống gì là phù hợp, điều đó có ý nghĩa sinh viên sẽ tiếp thu được điều gì sau buổi lên lớp. Điều quan trọng là tại buổi học đầu tiên của môn học, giảng viên cần nói rõ cho sinh viên biết sẽ sử dụng và yêu cầu sinh viên nghiên cứu những tình huống nào, thuộc chương nào hoặc chủ đề nào của môn học để sinh viên có thể chuẩn bị trước.

– Bước 2: Lựa chọn tình huống: Tùy vào từng bài học, kiến thức mà giảng viên mong muốn các sinh viên nhận được mà đưa ra các tình huống phù hợp với mục tiêu của mình. Chẳng hạn, khi giảng dạy về chương “Động viên kích thích người lao động”, Tác giả đã đưa vấn đề về “Cải cách tiền lương theo hướng tạo động lực cho người lao động” vừa được đưa ra bàn thảo trong diễn đàn của Quốc Hội. Hoặc khi nghiên cứu về “Kỹ năng lãnh đạo”, tác giả đưa vấn đề “Bàn về phẩm chất lãnh đạo từ sự thành công của U23 Việt Nam”. Tình huống giảng viên đưa vào bài học có thể do giảng viên tự xây dựng hoặc có thể sử dụng tình huống từ nguồn tài liệu khác, điều quan trọng là tình huống đó phải bám sát vào nội dung và mang tính thực tiễn cao, phù hợp với người học.

– Bước 3: Gợi ý các hướng giải quyết. Giảng viên cần cung cấp các kiến thức vế mặt lý thuyết có liên quan đến tình huống đưa ra, giảng viên cần thiết phải giải thích thật chi tiết tình huống để sinh viên hiểu rõ các vấn đề cần giải quyết. Xác định nhiệm vụ và vai trò của sinh viên tham gia vào tình huống đó.

– Bước 4: Xây dựng các câu hỏi thảo luận. Khi đưa ra tình huống nhất thiết phải có các câu hỏi kèm theo để gợi ý cho sinh viên thảo luận. Câu hỏi đưa ra cho sinh viên phải được chuẩn bị cẩn thận nhưng tránh đi vào kết luận chính. Nó chỉ giúp sinh viên đi vào nội dung chính về tình huống đề cập đến, hướng dẫn sinh viên tham gia vào tình huống và ngay cả khi sinh viên không có một sự chuẩn bị nào cũng có thể tham gia thảo luận được.

– Bước 5: Phân công các nhóm để giải quyết tình huống.

– Bước 6: Báo cáo tình huống, việc thảo luận hoặc báo cáo nhóm cũng được lựa chọn khách quan, trình bày báo cáo hoặc trả lời thảo luận cũng được lựa chọn ngẫu nhiên. Như vậy hạn chế được tình trạng người học cử đại diện hoặc chỉ một vài người tham gia thảo luận nhóm hoặc làm báo cáo. Các nhóm được yêu cầu có kế hoạch làm việc, bảng chấm công tham gia đóng góp vào thành quả chung của nhóm. Việc làm này mang lại kết quả khá khả quan là sinh viên đã rất trung thực trong việc đánh giá công sức đóng góp. Giảng viên có thể bổ sung thêm các câu hỏi cho nhóm trình bày, sinh viên thảo luận các câu hỏi có liên quan. Mỗi sinh viên sẽ đóng góp ý kiến của mình về tình huống đưa ra. Các sinh viên trong các nhóm còn lại có thể trao đổi, thảo luận để phân tích làm rõ thêm những vấn đề đã được nêu ra trong tình huống, giải quyết các câu hỏi khác mà giảng viên đặt ra thêm trong tình huống.

– Bước 7: Giảng viên tổng kết, nhận xét và đánh giá các nhóm, rút ra kết luận các giải pháp có liên quan đến nội dung lý thuyết môn học. Sau khi ghi nhận các ý kiến của các nhóm, từng thành viên trong nhóm. Giảng viên sẽ dựa vào đó đánh giá vấn đề đang thảo luận. Có thể có những vấn đề không mang lại kết quả như mong muốn, có những vấn đề có kết quả đúng sai rõ ràng, nhưng giảng viên sẽ là người chịu trách nhiệm đưa ra kết luận cuối cùng về tình huống đó để giúp sinh viên có thể hiểu rõ hơn cách thức giải quyết của mình.

3. Những điều kiện để áp dụng hiệu quả phương pháp tình huống

Để thực hiện hiệu quả phương pháp giảng dạy này thì cần nỗ lực từ các phía trong hoạt động dạy và học bao gồm cả các yếu tố chủ quan (giảng viên và học viên) và các yếu tố khách quan (môi trường, điều kiện vật chất).

Từ phía giảng viên. Phương pháp nghiên cứu tình huống đòi hỏi giảng viên phải luôn chấp nhận đổi mới, cập nhật các thông tin, kiến thức và kỹ năng mới. Để có những bài tập tình huống thực tế, sát với điều kiện môi trường quản trị của Việt Nam, giảng viên phải đầu tư thời gian và trí tuệ để tiếp cận các doanh nghiệp, thu thập, xử lý thông tin và xây dựng tình huống. Quá trình này rất tốn thời gian, công sức và là một quá trình liên tục (vì tính thời sự của một tình huống khá ngắn, do điều kiện môi trường quản trị, xã hội thay đổi rất nhanh). Một số giảng viên sử dụng các tình huống có sẵn ở các tài liệu nước ngoài. Các tình huống này đều được chuẩn bị hết sức chuyên nghiệp nhưng đôi khi lại rất xa lạ với môi trường ở Việt Nam.

Rất nhiều học viên cho rằng phương pháp này còn phản tác dụng khi giảng viên chỉ đơn thuần dịch lại các tình huống trong sách nước ngoài, vì với các tình huống như vậy cả thầy lẫn trò đều khó tiếp thu. Nhiều trường hợp, giảng dạy bằng tình huống là cách để thầy “nghỉ ngơi” vì trò phải làm việc, và thầy cũng chẳng biết giải tình huống thế nào, nên người học thực chất cũng chẳng thu được lợi ích gì. Mặt khác, phương pháp nghiên cứu tình huống lại đòi hỏi những kỹ năng phức tạp hơn trong giảng dạy, như cách tổ chức lớp học, bố trí thời lượng, đặt câu hỏi, tổ chức và khuyến khích học viên thảo luận, dẫn dắt mạch thảo luận, nhận xét, phản biện. Đây thật sự là những thách thức lớn đối với giảng viên trong quá trình ứng dụng phương pháp này.

Từ phía học viên. Phương pháp này đòi hỏi tính năng động, ham tìm kiếm kiến thức và khả năng tư duy độc lập của học viên. Phương pháp nghiên cứu tình huống chỉ thật sự phát huy những giá trị hữu ích khi có sự tham gia chủ động và hứng thú của học viên. Tuy nhiên do đã quá quen thuộc với cách tiếp thu kiến thức thụ động (phương pháp đọc-chép) nên khi chuyển qua phương pháp mới – đòi hỏi sự năng động, khả năng tư duy và tính sáng tạo – thì một bộ phận học viên không thích ứng được. Bên cạnh một số học viên rất năng động, yêu thích kiến thức, tồn tại một bộ phận học viên chỉ đến lớp vì nghĩa vụ.

Từ điều kiện vật chất. Đây là các thách thức khách quan, bao gồm các yếu tố về điều kiện trang bị vật chất, qui mô lớp học, không gian lớp học đủ rộng để lớp tổ chức các hoạt động thảo luận, sự hợp tác của doanh nghiệp trong quá trình cung cấp thông tin cho giảng viên.

Trên đây là những chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong quá trình giảng dạy môn học HCTC của tác giả tại trường Đại học Kinh Tế TP.HCM.

Tài liệu tham khảo:
1. John Boehrer, Marty Linsky- Teaching with cases: Learning to question.2012
2. Hammond, J.S- Learning by case method- Harvard Business School 2002.

Download:

Thai Tri Dung – Sử dụng tình huống trong giảng HVTC