Back

Đại dịch COVID-19 và hình dạng suy thoái kinh tế

ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ HÌNH DẠNG SUY THOÁI KINH TẾ1

Châu Văn Thành

“Những ai không thể nhớ quá khứ thì không tránh khỏi lặp lại chính điều đó một lần nữa”2 là câu châm biếm nổi tiếng của George Santayana vào năm 1905. Lịch sử các trận đại dịch đã đẩy nền kinh tế toàn cầu diễn ra như thế nào chắc chắn vẫn còn ghi lại trong kho tàng tư liệu thế giới. Tính đến ngày 16/05/2020, khi đại dịch Covid-19 lan ra hơn 210 quốc gia, lây nhiễm trên 4,5 triệu người và số người tử vong vượt 300.000 cùng với sự tàn phá dữ dội nền kinh tế toàn cầu, sự hiểu biết về lịch sử kinh tế nhắc lại về các cuộc suy thoái với hình dạng khác nhau: V, U, L hay W. Cuộc suy thoái kinh tế lần này thuộc hình dạng nào? Đâu là bài học kinh nghiệm rút ra để có thể tránh các sai lầm tương tự? Sau đây là tổng hợp một vài cách nhìn và phân tích từ các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách.

Covid-19 và suy thoái hình W

Mới tháng 3/2020, nhiều người tin rằng một số nền kinh tế hoàn toàn có thể phục hồi theo dạng chữ V, khi mà số ca nhiễm và số người tử vong bắt đầu giảm, kế hoạch tái mở cửa kinh tế, việc làm trở lại, tiêu dùng và đầu tư gia tăng và sức cầu dần hồi phục. Đây cũng là mô thức hồi phục sau các thảm họa tự nhiên (động đất, bão lụt) cũng như dịch bệnh (SARS 2003) đã từng làm cho GDP nhiều quốc gia bị tác động mạnh. Tuy nhiên, mô thức chữ V có thể khó xảy ra với hậu Covid-19 lần này.

Viễn cảnh cho sự phục hồi chữ U được hiểu khi mà một số phân khúc của nền kinh tế tái mở cửa, một phần lao động và một số ngành sản xuất tái khởi động tạm thời cho đến khi cuộc khủng hoảng sức khỏe được kiểm soát, tất cả các khu vực tái khởi động trở lại và nền kinh tế phục hồi hoàn toàn. Kịch bản này sẽ yêu cầu các quốc gia bảo đảm theo trình tự, xét nghiệm được tiến hành trên quy mô lớn, và mối quan hệ giữa kháng thể và miễn nhiễm đối với Covid-19 được xác nhận, lý tưởng hơn là vắc xin được nghiên cứu thành công sớm thì việc hồi phục và mở cửa kinh tế sẽ khả thi.

Nhưng với những gì đang diễn ra cho đến giữa tháng 5/2020 cho thấy, nhiều khả năng hình dáng phục hồi chữ W đang hiện ra. Suy thoái dạng W được hiểu là một hình thức phục hồi mới vừa bắt đầu lại tiếp theo là sự tái phát tiếp diễn. Một vài dự báo còn cho rằng cuộc suy thoái hiện hành có thể xấu hơn cả cuộc Đại Khủng hoảng thập niên 1930. Theo giáo sư Jeffrey Frankel3 , sở dĩ điều này có thể xảy ra là do thất bại về các bài học lịch sử và hai sai lầm chính sách:

Sai lầm thứ nhất, có thể có nhiều làn sóng dịch bệnh tái phát từ việc dỡ bỏ các hạn chế quá sớm. Trận đại dịch cúm Tây Ban Nha khoảng một thế kỷ trước, riêng Hoa Kỳ đã gánh chịu ba làn sóng tuần tự quay trở lại: làn sóng thứ nhất vào đầu năm 1918; làn sóng thứ hai vào tháng 9/1918 gây chết chóc thậm chí nhiều hơn lần một; và làn sóng thứ ba kéo dài cho đến năm 1920. Với đại dịch Covid-19 lần này, dấu hiệu làn sóng thứ hai có thể đang diễn ra và sắp diễn ra ở một số quốc gia từ chính sách tái mở cửa vội vàng nền kinh tế.

Giống như ngày nay, năm 1918, các thành phố thiết lập các biện pháp giãn cách xã hội, bao gồm đóng cửa trường học, cấm tụ tập nơi công cộng, yêu cầu mang khẩu trang hay tấm che mặt. Một nghiên cứu năm 2007 của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (National Academy of Sciences) tìm thấy kết quả cho rằng sự thành công của các thành phố ở Hoa Kỳ giúp giảm số người tử vong thì “thường là rất hạn chế bởi vì các biện pháp can thiệp được ban hành quá trễ và các can thiệp dỡ bỏ các biện pháp là quá sớm”

San Francisco là một ví dụ về việc dỡ bỏ biện pháp can thiệp quá sớm trong đại dịch 1918. Thành phố này đã giảm tỷ lệ tử vong ít nhất là 25% – mức cao nhất trong số các thành phố Hoa Kỳ. Nhưng thay vì tiếp tục duy trì cam kết can thiệp, thành công này đã làm cho họ dỡ bỏ các can thiệp vào tháng 11; làn sóng thứ hai gây chết chóc nhiều hơn do lây nhiễm xuất hiện vào tháng 12 và tháng 01. Nghiên cứu ước tính nếu San Francisco duy trì các quy tắc giãn cách xã hội lâu hơn, thành phố này đã có thể giảm 95% danh sách chết chóc của mình.

Hàn Quốc là một minh chứng thất bại hiện hành cho việc dỡ bỏ nhanh các biện pháp hạn chế lần này. Chỉ 4 ngày sau khi bước sang giai đoạn mới, ngày 9/5/2020, Seoul đã phải đóng cửa vô thời hạn tất cả quán bar và hộp đêm do phát hiện cụm dịch tại những cơ sở thuộc khu vực Itaewon. Tương tự, Singapore và Nhật Bản cũng phải quay trở về chính sách giãn cách xã hội ban đầu khi làn sóng lây nhiễm thứ hai xuất hiện không lâu sau khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Điều đáng nói là cả Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản từng được ca ngợi là hình mẫu chống Covid-19 hiệu quả mà không cần áp dụng những biện pháp phong tỏa chặt chẽ. Nhất là ở Hàn Quốc, nhờ xét nghiệm diện rộng, công nghệ truy vết tiếp xúc, người dân hợp tác và tuân thủ cách biệt cộng đồng đã giúp nhanh chóng làm phẳng đường cong lây nhiễm và chết chóc trên biểu đồ Covid-19.

Sai lầm thứ hai, các nhà lãnh đạo chính trị dừng các gói kích thích kinh tế quá sớm. Những sự kiện năm 1936-1937 ở Hoa Kỳ là minh chứng.

Năm 1936, thỏa mãn với sự tiến triển trong việc hồi phục sau suy thoái sâu bắt đầu từ 7 năm trước đó, chính quyền Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã bắt đầu giảm chi tiêu liên bang và tăng thuế. Đồng thời lúc đó, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng gấp đôi yêu cầu dự trữ ngân hàng và vô hiệu hóa dòng vào của vàng. Đến năm 1937, nền kinh tế Hoa Kỳ quay về tình trạng suy thoái nghiêm trọng và kéo dài suốt năm 1938.

Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ đã vấp phải sai lầm tương tự sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Chương trình kích thích tài khóa của Tổng thống Barack Obama được ban hành vào tháng 2/2009 cùng với chính sách mở rộng tiền tệ của Fed đã ngăn chặn được tình trạng rơi tự do của nền kinh tế. Sự hồi phục bắt đầu vào tháng 6 năm đó. Nhưng đến năm 2011, sau khi các đại biểu Đảng Cộng Hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội Hoa Kỳ, chính sách kích thích tài khóa đã kết thúc sớm gây ra những cản trở cho sự phục hồi một cách đáng kể.

Có lý do để lo lắng về việc các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ sẽ rơi vào sai lầm tương tự hiện nay. Trong khi các biện pháp tài khóa và tiền tệ của cả hai đảng đang tiến hành khá tốt, nhưng mậu thuẫn nội tại vẫn còn đó. Cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11/2020 chưa biết kết cục thế nào. Công ăn việc làm và hoạt động kinh tế vẫn còn lâu mới trở lại trạng thái cũ. Các gói kích thích kinh tế khổng lồ đẩy thâm hụt và nợ tăng cao nhanh chóng. Tỷ số nợ trên GDP của Hoa Kỳ sẽ leo lên vượt khỏi 100% vào cuối năm tài khóa. Vốn dĩ thâm hụt ngân sách bước vào năm 2020 đã là 1000 tỷ dô la.

Theo giáo sư Jeffrey Frankel, các nhà hoạch định chính sách ở bất kỳ nơi đâu nên nhớ quy tắc đầu tay đơn giản; để ngăn chặn một cuộc suy thoái dạng chữ W, hãy để chữ “W” đại diện cho “rút lại” (chữ W trong từ “withdrawal”) về các biện pháp sức khỏe cộng đồng và các biện pháp kích thích kinh tế. Như các cuộc khủng hoảng trước đó đã chỉ ra rằng các đề xuất như vậy nên được ngăn chặn giống như là ngăn chặn một thảm họa vậy.

Có thể là suy thoái dạng chữ L và hệ quả kéo dài hàng thập niên

Giáo sư Nouriel Roubini4 thì cho rằng đại dịch Covid-19 thậm chí có thể dẫn đến cuộc Đại Khủng hoảng còn trầm trọng hơn (Greater Depression) theo suy thoái hình chữ L đối với nền kinh tế toàn cầu trong thập niên tiếp theo với mười xu hướng rủi ro đáng quan ngại:

Thứ nhất, thâm hụt và hệ quả rủi ro kéo theo: nợ và vỡ nợ. Thâm hụt ngân sách khổng lồ nhằm phản ứng đáp lại khủng hoảng Covid-19, nhiều nước thậm chí lên đến 10% trở lên, trong khi mức nợ công đã quá cao và không bền vững5. Bên cạnh đó, mất việc làm và thu nhập làm cho nợ khu vực tư nhân tăng nhanh, tiềm tàng dẫn đến mất khả năng thanh toán, vỡ nợ và phá sản hàng loạt.

Thú hai, quả bom hẹn giờ về nhân khẩu học. Khủng hoảng Covid-19 chỉ ra việc chi tiêu công cần phải được phân bổ cho hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và các hàng hóa công liên quan khác chứ không phải hàng hóa xa xỉ. Nhưng hầu hết các nước phát triển và thậm chí nhiều quốc gia đang phát triển đối diện tình trạng xã hội già hóa, việc tài trợ cho những khoản chi tiêu như vậy trong tương lai sẽ tạo ra những khoản nợ ẩn ngầm từ hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc y tế.

Thứ ba, gia tăng rủi ro giảm phát. Bên cạnh suy thoái sâu, cuộc khủng hoảng cũng tạo ra một lượng khổng lồ công suất sản xuất và máy móc không được sử dụng và thất nghiệp tràn lan, cũng như sự sụp đổ giá cả hàng hóa cơ bản như dầu và kim loại sản xuất công nghiệp6. Hiện tượng Giảm phát – Nợ có thể xảy ra và làm gia tăng rủi ro vỡ nợ

Thứ tư, giảm giá tiền tệ. Khi các ngân hàng trung ương cố gắng chống giảm phát và ngăn cản rủi ro gia tăng lãi suất (theo sau những khoản nợ ngày càng khổng lồ phát sinh), các chính sách tiền tệ sẽ trở nên phi truyền thống nhiều hơn và trên bình diện rộng hơn (giải pháp QE chẳng hạn). Trong ngắn hạn, các chính phủ sẽ cần vận hành theo kiểu thâm hụt ngân sách được tiền tệ hóa (monetized fiscal deficits) để ngăn chặn suy thoái sâu và giảm phát. Nhưng theo thời gian, các cú sốc cung tiêu cực kéo dài từ xu hướng suy giảm toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ tái lập sẽ làm cho tình trạng đình lạm (stagflation) xảy ra.

Thứ năm, gián đoạn sự liên kết kinh tế toàn cầu và nền kinh tế có tính số hóa trên bình diện rộng hơn. Với hàng triệu người mất việc làm hay đang làm việc và nhận lương ít hơn, hố cách của cải và thu nhập của nền kinh tế thế kỷ 21 sẽ ngày càng nới rộng hơn. Để bảo đảm chống lại các cú sốc chuỗi cung ứng trong tương lai, các công ty ở các nước tiên tiến sẽ tái sắp xếp gia công sản xuất từ các vùng chi phí thấp hơn sang các thị trường nội địa chi phí cao hơn. Nhưng thay vì giúp cho những người lao động tại nước mình, xu hướng này sẽ làm tăng tốc tự động hóa, tạo ra áp lực giảm tiền lương và xa hơn làm gia tăng ngọn lửa của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa quốc gia và bài ngoại.

Thứ sáu, giảm toàn cầu hóa (de-globalization). Đại dịch đang làm tăng tốc xu hướng phân rã toàn cầu. Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tách nhau ra, và hầu hết các quốc gia sẽ phản ứng bằng cách gia tăng các chính sách bảo hộ nhằm che chắn cho người lao động và các doanh nghiệp trong nước từ sự gián đoạn toàn cầu. Thế giới sau đại dịch sẽ đánh dấu bởi những ràng buộc chặt hơn về sự di chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động, công nghệ, dữ liệu và thông tin. Điều này đang thực sự xảy ra trong khu vực dược, thiết bị y tế và thực phẩm, nơi mà các chính phủ đang ban hành các hạn chế xuất khẩu và các biện pháp bảo hộ khác nhằm phản ứng đáp lại cuộc khủng hoảng.

Thứ bảy, phản ứng mạnh mẽ chống lại chế độ dân chủ sẽ củng cố thêm xu hướng dân túy và giảm toàn cầu hóa. Các lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy thường hưởng lợi từ sự yếu kém kinh tế, thất nghiệp tràn lan và bất bình đẳng đang gia tăng. Trong điều kiện bất ổn kinh tế tăng cao, sẽ có một sự thôi thúc mạnh mẽ để “tế thần” những người nước ngoài cho cuộc khủng hoảng này. Các công nhân “cổ xanh” và đại đa số tầng lớp trung lưu sẽ trở nên nhạy cảm hơn với chủ nghĩa dân túy, nhất là với các đề xuất hạn chế thương mại và di dân.

Thứ tám, cuộc đối đầu địa chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Sự tách rời và căng thẳng giữa hai cường quốc này trong thương mại, công nghệ, đầu tư, dữ liệu và các sắp xếp tiền tệ sẽ càng gia tăng.

Thứ chín, cuộc chiến tranh lạnh mới có thể xảy ra. Không chỉ giữa Hoa Kỳ vớiTrung Quốc mà còn với nhiều quốc gia khác. Chiến tranh mạng và tiềm tàng kéo theo các cuộc đụng độ quân sự. Và bởi vì công nghệ là vũ khí chìa khóa trong cuộc chiến nắm quyền kiểm soát các ngành công nghiệp tương lai và chiến đấu chống lại các trận đại dịch, khu vực công nghệ tư nhân Hoa Kỳ sẽ ngày càng tăng tốc tích hợp vào tổng thể phức hợp công nghiệp – an ninh – quốc gia.

Cuối cùng, rủi ro không thể bỏ qua đó là sự tàn phá môi trường, như cuộc khủng hoảng Covid-19 đã chỉ ra, có thể gây tổn hại nền kinh tế hơn cả một cuộc khủng hoàng tài chính đơn thuần. Các nạn dịch bệnh tái phát (HIV thập niên 1980, SARS năm 2003, H1N1 năm 2009, MERS năm 2011, Ebola năm 2014-16, giống như biến đổi khí hậu, về cơ bản là những thảm họa do con người tạo ra, do tiêu chuẩn vệ sinh và y tế kém, lạm dụng hệ thống tự nhiên, và sự kết nối ngày càng gia tăng của một thế giới toàn cầu hóa. Các trận đại dịch và nhiều triệu chứng bệnh tật có nguồn gốc từ biến đổi khí hậu sẽ trở nên thường xuyên, nghiêm trọng và tốn kém hơn trong những năm sắp tới.

Theo Giáo sư Roubini, mười rủi ro này thậm chí đã xuất hiện trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, giờ đây đang đe dọa châm ngòi cho một trận bão hoàn hảo quét toàn bộ nền kinh tế toàn cầu đi vào một thập niên tuyệt vọng. Đến thập niên 2030, công nghệ và những tài năng lãnh đạo chính trị có năng lực hơn có thể sẽ làm giảm, giải quyết hay tối thiểu hóa nhiều trong số các trục trặc này, giúp xây dựng một trật tự thế giới ổn định, hợp tác, và hợp nhất nhiều hơn. Nhưng bất kỳ kết cục có hậu nào thì cũng dựa trên giả định là chúng ta cần tìm ra được cách thức sống sót trước cuộc Đại Suy thoái lần này đã.

Suy thoái có thể chỉ là hình chữ V

Khác với hai quan điểm trên, một số các nhà kinh tế cho rằng có sự khác biệt lớn giữa cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay do Covid-19 gây ra với các cuộc Đại Khủng hoảng những năm 1930 và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.

Đối với Hoa Kỳ, theo cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Ben Bernanke, sự sụp đổ của hệ thống tài chính là nguyên nhân chính của Đại Khủng hoảng 1929-1933 và khủng hoảng 2007-2008. So với trước đây thì hiện giờ hệ thống tài chính và ngân hàng mạnh hơn và có vốn hóa tốt hơn. Những năm 1930 và giai đoạn 2007-2009, sản xuất công nghiệp đã giảm lần lượt hơn một nửa và khoảng 15%. Giai đoạn 1929-1933, nền kinh tế suy giảm 43 tháng, thất nghiệp khoảng 25% và duy trì trên 10% một thập niên. Khủng hoảng 2007-2008 suy giảm kinh tế kéo dài 18 tháng và thất nghiệp khoảng 10%. Lần này, tính đến tháng 4/2020, thất nghiệp khoảng 14,7% và đang gia tăng. Tuy nhiên, ngày nay họ được an toàn hơn bởi mạng lưới an sinh như bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp. Do vậy, một số nhà kinh tế tin rằng kinh tế có thể phục hổi trong năm nay hoặc đầu năm tới nếu virus được kiểm soát.

Đối với toàn cầu, tương tự như Đại Khủng hoảng 1929-1933, sự sụp đổ kinh tế ngày nay cũng trên diện rộng nhưng có quy mô được dự báo là nhỏ hơn. Tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển giảm khoảng 16% ở Đại Khủng hoảng, riêng khủng hoảng hiện tại được dự báo khoảng 6% năm nay.

Sai lầm chính sách đã góp phần làm trầm trọng thêm thời gian và mức độ nghiêm trọng của cuộc Đại Khủng hoảng 1929-1933. Các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ để duy trì tiêu chuẩn vàng. Kết quả là giảm phát – nợ gia tăng và giảm thu nhập. Trong khi tiêu chuẩn này ngày nay không còn tồn tại. Cũng trong thời kỳ Đại Khủng hoảng, các chính phủ ban đầu cắt giảm chi tiêu vì nguồn thu giảm. Khi kinh tế yếu đi, các quốc gia bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước bằng các rào cản thương mại. Hệ quả cuối cùng là nhu cầu toàn cầu suy giảm và tình hình ngày càng tồi tệ thêm.

Trong khi đối với suy thoái lần này, ngay từ đầu các ngân hàng trung ương trên thế giới đã giảm lãi suất, nới lỏng định lượng và thúc đẩy tín dụng. Nhiều chính phủ thông qua các gói chi tiêu lớn và ưu đãi thuế để trợ nhằm giúp các doanh nghiệp ở tất cả các quy mô duy trì hoạt động và sẵn sàng nối lại việc làm khi khó khăn qua đi. Rào cản thương mại để đối phó với đại dịch cũng không còn được xem là ưu tiên như trước.

Thay lời kết

Ai là người dự báo đúng hơn? Có lẽ câu trả lời chính xác nhất sẽ thuộc về thời gian. Cũng như các cuộc suy thoái trước đây. Bằng chứng dữ liệu và diễn biến hậu khủng hoảng sẽ giúp chúng ta thấy được những gì quan trọng cần rút ra cho việc nghiên cứu và hoạch định chính sách nhằm đối phó với những gì có thể sẽ xảy ra trong tương lai – đó là những cuộc khủng hoảng và suy thoái tương tự hứa hẹn sẽ xuất hiện.


[1] Người viết: Châu Văn Thành, giảng viên Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM (thanhcv@ueh.edu.vn). Nội dung được tổng hợp từ các bài viết của các tác giả dùng làm tư liệu tham khảo. Hoàn thành ngày 16/05/2020.

[2] Tạm dịch từ “Those who cannot remember the past are condemned to repeat it”

[3] Jeffrey Frankel, Giáo sư Kinh tế học Đại học Harvard University, thành viên ban cố vấn kinh tế chính quyền Bill Clinton. Ông là nhà nghiên cứu của Ban Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ (NBER), Ủy ban Giám sát Chu kỳ Kinh tế (Business Cycle Dating Committee), nghiên cứu về những vấn đề suy thoái và hồi phục kinh tế của Hoa Kỳ.

[4] Nouriel Roubini, Giáo sư Kinh tế học, Đại học New York; Chủ tịch Hiệp hội Roubini Macro Associates, từng là Nhà Tư vấn Kinh tế Nhà Trắng trong chính quyền Clinton. Ông làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, Fed và Ngân hàng Thế giới. Trang web cá nhân: NourielRoubini.com.

[5] Đến giữa tháng 4/2020 đã có hơn 90 quốc gia tìm đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới WB để kêu gọi nguồn tài trợ khẩn cấp. Rất nhiều trong số đó là các nước đang phát triển.

[6] Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ước tính thương mại toàn cầu sẽ giảm khoảng 13-32% năm 2020. Các nước sản xuất và xuất khẩu dầu hỏa (và rất nhiều các nước sản xuất hàng hóa cơ bản) đang phải gánh chịu hậu quả của cuộc chiến giá cả giữa Saudi Arabia và Nga và bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Tài liệu tham khảo

Carmen M. Reinhart and Kenneth Rogoff (4/2020). Suspend Emerging and Developing Economies’ Debt Payment. Chuyên trang Project Syndicate: https://www.projectsyndicate.org/.

Jeffrey Frankel (5/2020). How To Avoid a W-shaped Recession. Chuyên trang Project Syndicate https://www.project-syndicate.org/.

Nouriel Roubini (4/2020). The Coming Greater Depression of the 2020s. Chuyên trang Project Syndicate https://www.project-syndicate.org/.

https://vnexpress.net/khung-hoang-kinh-te-vi-covid-19-khong-te-bang-dai-suy-thoai4097291.html