Back

[STBI]: Liệu tự do thương mại quốc tế luôn tốt đối với phúc lợi hộ gia đình ở Việt Nam?

Tiến sĩ Võ Tất Thắng cùng cộng sự sử dụng số liệu VHLSS từ 2002-2016 để đánh giá tác động của tự do thương mại ở cấp hộ gia đình. Khác với những nghiên cứu trước, nhóm nghiên cứu xây dựng chỉ số tiếp cận thương mại của hộ gia đình để khắc phục vấn đề nội sinh trong mô hình ước lượng. Ưu điểm của các chỉ số này là chúng bao hàm ảnh hưởng của thương mại ở cấp quốc gia và khả năng đáp ứng của hộ gia đình.
Kết quả cho thấy tự do thương mại có cải thiện thu nhập và chi tiêu của các hộ gia đình Việt Nam chủ yếu thông qua kênh xuất khẩu, tức tăng nhu cầu lao động. Giảm thuế quan đối với hàng xuất khẩu có ảnh hưởng nhỏ hơn đối với phúc lợi hộ gia đình. Tự do thương mại có xu hướng làm giảm mức độ tổn thương trong nhiều trường hợp, tuy nhiên tác động này không còn ý nghĩa từ sau khủng hoảng tài chính 2008. Các hộ gia đình ở nông thôn dễ gặp tổn thương hơn khi mở cửa thương mại và các hộ nghèo là hưởng lợi ít hơn kể từ sau khủng hoảng 2008.
Kết quả nghiên cứu phần nào giải thích xác suất nghèo nhỏ hơn và khoảng cách giữa thu nhập và chi tiêu lớn hơn của các hộ gia đình ở thành thị. Kết quả cũng cho thấy tự do thương mại có thể có tác động rất khác lên các hộ gia đình qua thời gian, mặc dù chúng ta có thể thấy tác động dương lên toàn bộ dân số trong dài hạn. Tự do thương mại cũng mang lại những tác động tiêu cực cho nền kinh tế sau một cú sốc ở bên ngoài. Cho nên chính phủ nên tập trung vào những bất lợi của những hộ gia đình ở nông thôn và những hộ nghèo. Các chương trình hoặc chính sách này nên giúp các nhóm bất lợi đáp ứng nhanh hơn với thị trường lao động hoặc thích ứng với các rủi ro tiềm tàng.
Thời gian: 11.00g ngày 21 tháng 5, 2020.
Địa điểm: Phòng B1.1002, 279 Nguyễn Tri Phương, Quận 10. HCM