Back

COVID-19 & Nguy cơ lạm phát quay trở lại

“Đình lạm thập niên 1970 sẽ sớm kết hợp với khủng hoảng nợ hậu thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – câu hỏi không phải là nếu mà là khi nào” (Nouriel Roubini).

Bối cảnh

Lạm phát đang có dấu hiệu tăng tốc ở nhiều quốc gia, ngay cả Hoa Kỳ và Anh. Lạm phát tăng tốc là một trong những tín hiệu kinh tế nóng lên bên cạnh tốc độ tăng trưởng đưa GDP tiến đến mức tiềm năng thông qua thước đo hố cách sản lượng. Do vậy, Hoa Kỳ có thể sẽ phải ra tay can thiệp trước khi tình hình xấu đi. Chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ ở Hoa Kỳ có thể được điều chỉnh sớm hơn dự kiến. Các học giả và các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới đang cảnh báo tất cả các nước còn lại cần chuẩn bị phương án ứng phó.

Cả hai khả năng nếu như lạm phát tăng tốc hay/và Fed tăng lãi suất đều có thể đẩy toàn thế giới vào tình thế khó khăn ngày càng chồng chất. Bên cạnh đó, sự kiệt sức của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đang phải chống chọi với đại dịch chưa có dấu hiệu thuyên giảm do các biến chủng virus mới và kế hoạch tiêm vắc xin gián đoạn bởi nguồn cung thiếu thốn ở các nước đang phát triển và thị trường mới nổi càng làm nguy khốn hơn tình hình.

Các chính sách nới lỏng quá mức về tài khóa và tiền tệ toàn cầu và nợ quốc gia tăng cao kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đến nay cộng thêm các chính sách giải cứu do đại dịch COVID-19 gây ra cho cả phía cầu và phía cung; các cú sốc cung tiêu cực cùng những phản ứng chập chờn, bấp bênh phía cầu nhằm hồi phục kinh tế sau những lần kiềm chế thành công đại dịch đã tạo ra xu hướng rất bất định phía trước.

Hệ quả có thể dẫn đến một số hệ lụy, như là: (1) “hiệu ứng tràn lạm phát” có thể xuất hiện cộng hưởng với lạm phát trong nước; (2) tình trạng bất ổn vĩ mô, thậm chí là dạng khủng hoảng nợ – đình lạm từng xảy ở cả thập niên 1970 và 1980 quay lại bất kỳ lúc nào; (3) và dòng vốn tháo chạy ra khỏi các nước đang phát triển và thị trường mới nổi do tín hiệu/khả năng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.

Các nước đang phát triển và các nền kinh tế thị trường mới nổi (EMEs), trong đó có Việt Nam, đối mặt với áp lực lạm phát có thể đến từ đâu và cần chuẩn bị những gìnhằm hạn chế tác động có thể xảy ra?

Đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam hiện hành:

1. Kế hoạch tiêm chủng khó đạt mức miễn dịch (60%) theo dự kiến và khó kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh ít nhất cho đến quý I/2022; do vậy, nền kinh tế Việt Nam không thể hồi phục hoàn toàn vào ít nhất là đến giữa hoặc cuối năm 2022.
2. Sức cầu tiêu dùng và đầu tư vẫn yếu, thậm chí rất yếu qua 4 đợt bùng phát COVID-19, và hiện đang bị ảnh hưởng khá mạnh.
3. Năng suất thấp, khả năng cạnh tranh doanh nghiệp trong nước thấp, nay lại bị vùi dập qua đại dịch càng trầm trọng hơn.
4. Chi phí nhập lượng ngày càng tăng cao theo xu hướng giá cả của thế giới và trong nước ở rất nhiều mặt hàng, kể cả hàng hóa thiết yếu và nguyên nhiên vật liệu đầu vào (năng lượng, nguyên nhiên liệu, hàng tiêu dùng, lương thực…).
5. Các gói cứu trợ của chính phủ Việt Nam chỉ ở mức vừa phải so với các nước khác và dường như phát huy tác dụng còn rất hạn chế.
6. Xu hướng chuyển dịch từ thặng dư thương mại sang nhập siêu, và thâm hụt thương mại trong những tháng gần đây đang tăng lên, đẩy cán cân thương mại hướng đến thâm hụt nhiều hơn.
7. Nợ ngoại tệ mức trung bình nhưng dự trữ ngoại tệ không thực sự quá mạnh.
8. Hiệu ứng tràn lạm phát từ bên ngoài.
9. Lạm phát từ cú sốc cung tiêu cực đang dần lộ diện.

Với những gì đang diễn ra trên toàn cầu và Việt Nam, chúng ta có thể thấy rằng trục trặc hiện đang nằm ở phía cung là chủ yếu. Đương nhiên là giải pháp phải chú ý cả hai phía cung và cầu. Nhưng giải quyết trục trặc phía cung không dễ dàng chút nào. Đôi lúc cần đến giải pháp ngắn hạn và dài hạn.

Nếu kịch bản xấu xảy ra, những hành động phổ biến kéo theo sẽ là khả năng tăng lãi suất ngắn hạn trở lại, có thể kết hợp can thiệp bán ra ngoại tệ và thả linh hoạt hơn tỷ giá hối đoái, bằng chính sách kinh tế vĩ mô thực tế đáng tin cậy, kiểm soát và bình ổn nền kinh tế (tăng trưởng, lạm phát, cán cân thương mại, hệ thống tài chính và ngân hàng, nợ công và nợ nước ngoài…) hơn là lời kêu gọi trấn an.

Tuy nhiên, nhiều khả năng Việt Nam sẽ phải đối diện tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tăng lãi suất (thắt chặt tiền tệ) nhằm ngăn dòng vốn tháo chạy sẽ có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Tăng lãi suất mà đối diện với cú sốc cung tiêu cực (chi phí sản xuất tăng) thì lún sâu vào suy thoái nhiều hơn. Ngược lại, nếu giảm lãi suất sẽ phải đối diện với dòng vốn tháo chạy. Chính vì thế, phản ứng phòng vệ ngay từ bây giờ sẽ cần thiết và thiết thực hơn nhiều.

Chuẩn bị ngay từ bây giờ, giải pháp hạn chế lạm phát từ xa có thể bao gồm:

1. Hướng dòng vốn ngoại vào kênh đầu tư năng suất và tăng cường các biện pháp an toàn cho hệ thống tài chính.
2. Hỗ trợ mạnh tay và hữu hiệu hơn cho doanh nghiệp và người lao động đang bị ảnh hưởng bởi COVID-19 với cả công cụ tài khóa và tiền tệ.
3. Thực hiện chính sách tiền tệ vô hiệu hóa di cùng với tích lũy dự trữ ngoại tệ (nhưng cần lưu ý các hệ quả lâu dài lên hệ thống tài chính và ngân hàng trong hoạt động vay và cho vay cũng như phân bổ nguồn vốn cho sản xuất và tiêu dùng).
4. Sử dụng cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn (cơ chế tỷ giá hối linh hoạt có quản lý một cách có hệ thống) cho phép đạt được bộ ba bất khả thi.
5. Khả năng sử dụng các biện pháp can thiệp hành chính tạm thời để bình ổn giá cả (đã từng thành công ở các nước Đông Nam Á và Việt Nam).
6. Kiểm soát vốn một phần có định hướng trước để không tạo sốc đối với các nhà đầu tư.
7. Tránh theo đuổi lạm phát mục tiêu vì sẽ làm trầm trọng hơn suy thoái và thất nghiệp trong nước.
8. Dĩ nhiên là cần sớm kiềm chế COVID-19 thành công!

Kết luận

Nếu muốn hạn chế tác động của nguy cơ lạm phát quay trở lại và dòng vốn tháo chạy có thể đe dọa gây nên cuộc khủng hoảng bất ngờ này, chúng ta cần hết sức thận trọng và chuẩn bị nhiều phương án ứng phó – không phải trong tương lai, mà ngay từ bây giờ. Đương nhiên, nhiệm vụ hồi phục kinh tế, đưa năng lực sản xuất quay trở lại thời kỳ trước đại dịch sẽ là quan trọng hơn hết nhằm góp phần bình ổn cung cầu của hệ thống. Nhiệm vụ này chỉ thực hiện tốt khi chiến lược tiêm chủng và khống chế thành công dịch bệnh phải có kết quả khả quan trước đã – xem ra, với những gì đang diễn ra thì đây là nhiệm vụ không dễ dàng chút nào.

Bài tổng hợp của Châu Văn Thành, giảng viên Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh; dùng cho giảng dạy và nghiên cứu. Ngày 27/07/2021.

Tải về bản đầy đủ