Back

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Mục tiêu của chương trình tiên tiến Quốc tế UEH bậc đại học chuyên ngành Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp là trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên môn, phát triển tư duy phân tích và rèn luyện thái độ chuyên nghiệp để trở thành chuyên viên phân tích chính sách trong các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp; chuyên viên phân tích kinh doanh trong các doanh nghiệp nông nghiệp; hoặc doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thời đại công nghiệp 4.0.

Chương trình cử nhân Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp cung cấp cho sinh viên nền tảng kiến thức cập nhật về kinh tế, kinh doanh và công cụ phân tích để có đủ khả năng: (1) phân tích chính sách kinh tế và thị trường nông nghiệp; (2) phân tích chuỗi giá trị nông sản và các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; (3) quản lý chất lượng và kiểm soát an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; (4) quản trị kinh doanh và xuất nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp theo thông lệ quốc tế; (5) quản trị trang trại và hợp tác xã nông nghiệp hiện đại; (6) phân tích hành vi người tiêu dùng và hoạch định chiến lược marketing thực phẩm an toàn; (7) đánh giá hiệu quả tài chính – kinh tế của các quyết định đầu tư trong nông nghiệp; và (8) thiết kế bảng câu hỏi, tổ chức thu thập và phân tích dữ liệu để phục vụ cho việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới trong doanh nghiệp nông nghiệp. Đặc biệt, chương trình cử nhân Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp định hướng đào tạo thế hệ doanh nhân sinh thái nhằm phát triển nền nông nghiệp thông thái phục vụ vì lợi ích cộng đồng.

CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP

Sinh viên tốt nghiệp cử nhân Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp có đủ năng lực chuyên môn, tư duy phân tích, thái độ chuyên nghiệp và giỏi ngoại ngữ để làm việc trong các lĩnh vực sau đây:

Tài chính nông nghiệp

  • Cán bộ tín dụng và cho vay trong ngân hàng nông nghiệp;
  • Tư vấn dịch vụ tài chính nông nghiệp;
  • Chuyên viên thẩm định dự án đầu tư trong nông nghiệp.

Kinh doanh nông sản

  • Bộ phận thu mua nông sản ở hệ thống siêu thị hoặc doanh nghiệp chế biến thực phẩm;
  • Nhân viên xuất – nhập khẩu nông sản, thực phẩm hoặc vật tư nông nghiệp;
  • Phòng kinh doanh của doanh nghiệp nông nghiệp, chế biến thực phẩm và siêu thị.

Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm

  • Phòng quản lý chất lượng (QA & QC) ở hệ thống siêu thị hoặc doanh nghiệp thực phẩm;
  • Tư vấn doanh nghiệp nông nghiệp hoặc nông dân về chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt;
  • Cán bộ quản lý thị trường và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ quan nhà nước.

Quản lý trang trại và hợp tác xã nông nghiệp

  • Giám đốc điều hành trang trại;
  • Cung cấp vật tư nông nghiệp và/hoặc giải pháp công nghệ cho trang trại;
  • Chuyên viên truyền thông và tư vấn nông dân.

Nghiên cứu thị trường và marketing nông nghiệp

  • Phòng nghiên cứu và phát triển tại các doanh nghiệp nông nghiệp;
  • Đại diện bán hàng cho các doanh nghiệp nông nghiệp và thương mại nông nghiệp;
  • Phòng marketing của các doanh nghiệp nông nghiệp.

Cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp

  • Chuyên viên tư vấn chính sách nông nghiệp;
  • Chuyên viên phân tích giá cả nông sản;
  • Cán bộ phòng kinh tế/nông nghiệp địa phương, hoặc cán bộ phụ trách khuyến nông.

CHƯƠNG TRÌNH CHI TIẾT

Nội dung chương trình Tín chỉ Phần trăm
A. Kiến thức về kinh tế, tài chính, và dự án 30 25
B. Kiến thức về kinh doanh, marketing và xuất nhập khẩu 34 28
C. Công cụ phân tích, dữ liệu và phần mềm thống kê 17 14
D. Tiếng Anh giao tiếp trong kinh tế, kinh doanh và thương mại 16 13
E. Phát triển kỹ năng mềm, lý luận chính trị và thái độ làm việc 13 11
F. Thực tập và tốt nghiệp  10 8
Tổng cộng 120 100

A. Kiến thức về kinh tế, tài chính và dự án

Các học phần bắt buộc

Kinh tế vi mô căn bản:

  • Bộ môn phụ trách: Kinh tế học – Khoa kinh tế.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Không.
  • Môn học này giới thiệu đến sinh viên các nguyên lý cơ bản của kinh tế học và giúp phát triển khả năng hiểu được các lý thuyết về kinh tế vi mô ở mức độ nhập môn thông qua các nguyên lý cơ bản. Môn học bắt đầu với các phương pháp tư duy như một nhà kinh tế, sau đó phát triển khả năng phân tích cung và cầu trên thị trường. Tiếp theo sẽ là hành vi của các doanh nghiệp trên các cấu trúc thị trường khác nhau. Sau cùng là tìm hiểu về sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Kinh tế vĩ mô căn bản:

  • Bộ môn phụ trách: Kinh tế học – Khoa kinh tế.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Không.
  • Môn học này nghiên cứu nền kinh tế trên bình diện tổng thể, bao gồm việc mô tả và đo lường các biến số kinh tế vĩ mô quan trọng như tổng sản phẩm quốc nội, giá cả và lạm phát, việc làm và tình trạng thất nghiệp, tổng tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu của chính phủ và thuế, cung cầu tiền, lãi suất, thâm hụt/thặng dư thương mại, cán cân thanh toán và tỷ giá. Việc xây dựng các mô hình kinh tế đơn giản sẽ giúp chúng ta giải thích các mối quan hệ giữa các biến số này. Trên cơ sở đó, môn học sẽ nghiên cứu những biến động kinh tế trong ngắn hạn, các vấn đề của chu kỳ kinh tế, các cú sốc phía cung và phía cầu, và vai trò của các chính sách ổn định hóa như chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Thêm vào đó, môn học này cũng giúp sinh viên tìm hiểu về tăng trưởng kinh tế, phân tích các nguồn tăng trưởng kinh tế và bài học kinh nghiệm của các nước và các khu vực khác nhau trên thế giới.

Kinh tế học quản lý:

  • Bộ môn phụ trách: Kinh tế học – Khoa kinh tế.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Kinh tế vi mô căn bản.
  • Môn học này là sự tiếp nối của môn Kinh tế vi mô căn bản, trong đó nhấn mạnh vào tính ứng dụng của các lý thuyết kinh tế vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và thị trường sản phẩm nông nghiệp. Môn học được chia thành bốn phần. Phần 1 phân tích hiệu quả của các chính sách can thiệp của chính phủ vào thị trường nông nghiệp và thực phẩm tiêu dùng. Phần 2 mô tả các ứng dụng của lý thuyết về hành vi người tiêu dùng khi ra quyết định lựa chọn thực phẩm an toàn. Phần 3 tập trung phân tích các ứng dụng của lý thuyết về cấu trúc thị trường trong việc ra quyết định về định giá sản phẩm nông nghiệp. Phần 4 xem xét thất bại thị trường chẳng hạn như thông tin bất cân xứng trong lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng, ngoại tác trong sản xuất nông nghiệp và sự thiếu đầu tư vào các hàng hóa công trong khu vực nông nghiệp và nông thôn, cùng với những biện pháp của chính phủ nhằm điều chỉnh những thất bại này.

Kinh tế nông nghiệp:

  • Bộ môn phụ trách: Kinh tế môi trường, nông nghiệp và tài nguyên – Khoa kinh tế.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Kinh tế vi mô căn bản.
  • Môn học này là một ứng dụng của kinh tế học để giải thích hành vi của những người sản xuất và người tiêu dùng trong lĩnh vực nông nghiệp. Môn học tập trung vào các vấn đề cơ bản sau đây: (1) Vai trò và đặc điểm của sản xuất nông nghiệp đối với nền kinh tế quốc dân; (2) Phân tích các nguồn lực trong nông nghiệp, bao gồm đất đai, nhân lực, vốn và khoa học công nghệ; (3) Kinh tế học sản xuất nông nghiệp, nghĩa là phân tích quá trình sản xuất nông nghiệp dưới góc độ kinh tế học sản xuất, làm rõ bản chất của hộ nông dân, hành vi của họ trong quá trình ra quyết định trong bối cảnh nguồn lực sản xuất khan hiếm; (4) Các loại hình tổ chức sản xuất nông nghiệp, từ hình thức kinh tế hộ gia đình, trang trại, cho đến hợp tác xã và các liên kết giữa hoạt động sản xuất và thương mại hóa sản phẩm trong chuỗi giá trị; (5) Phân tích thị trường sản phẩm nông nghiệp để hiểu quá trình đưa các sản phẩm nông nghiệp ra thị trường tiêu thụ, mối quan hệ giữa hoạt động sản xuất và thương mại sản phẩm nông nghiệp, thương mại nông sản quốc tế và vai trò của chính phủ trong việc can thiệp vào thị trường nông sản; (6) Phát triển bền vững và phát triển bền vững trong nông nghiệp, và những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi thúc đẩy phát triển nông nghiệp thiếu tính bền vững.

Kinh tế môi trường:

  • Bộ môn phụ trách: Kinh tế môi trường, nông nghiệp và tài nguyên – Khoa kinh tế.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Kinh tế vi mô căn bản, Kinh tế lượng ứng dụng.
  • Môn học này nghiên cứu các vấn đề về môi trường trong nông nghiệp theo quan điểm và phương pháp phân tích của kinh tế học. Cụ thể, môn học này tập trung vào các nội dung sau đây: (1) Nguyên nhân kinh tế của suy thoái môi trường và tài nguyên thiên nhiên; (2) Kiểm soát ô nhiễm môi trường (trong nông nghiệp) bằng các công cụ kinh tế; (3) Các phương pháp định giá thiệt hại môi trường liên quan đến hoạt động nông nghiệp; và (4) Kinh doanh bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nông nghiệp; và (5) Tiêu dùng bền vững, lối sống sinh thái của người tiêu dùng và mua sắm công xanh.

Phân tích chính sách nông nghiệp và lương thực:

  • Bộ môn phụ trách: Kinh tế môi trường, nông nghiệp và tài nguyên – Khoa kinh tế.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Kinh tế nông nghiệp.
  • Môn học này được thiết kế nhằm giúp sinh viên vận dụng những kiến thức kinh tế vào phân tích chính sách nông nghiệp và lương thực, đặc biệt là những phương pháp phân tích phúc lợi và ma trận phân tích chính sách. Những công cụ phân tích này cho phép đánh giá định tính và định lượng ở mức độ nhất định những tác động của chính sách đến các đối tượng thụ hưởng khác nhau. Các bài giảng lý thuyết và các tình huống chính sách sẽ được thảo luận trên lớp nhằm giúp sinh viên nắm vững lý thuyết và có khả năng áp dụng vào phân tích chính sách. Môn học bao gồm các nội dung sau đây: (1) Vai trò của nhà nước trong phát triển nông nghiệp; (2) Cơ sở kinh tế học của phân tích chính sách nông nghiệp và lương thực; (3) Phân tích chính sách theo phương pháp phúc lợi ứng dụng; (4) Phân tích chính sách theo ma trận phân tích chính sách PAM (policy analysis matrix); (5) Phân tích từng chính sách nông nghiệp Việt Nam như chính sách lương thực, chính sách marketing, chính sách đất đai, chính sách khoa học công nghệ trong nông nghiệp, và chính sách về vốn và thị trường tín dụng nông thôn.
  • Mời báo cáo viên từ sở NN-PTNT và/hoặc Viện nông nghiệp chia sẻ về chính sách nông nghiệp Việt Nam.

Phân tích chuỗi giá trị nông sản:

  • Bộ môn phụ trách: Kinh tế môi trường, nông nghiệp và tài nguyên – Khoa kinh tế.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Kinh tế nông nghiệp, Phân tích lợi ích – chi phí.
  • Môn học này tập trung giới thiệu các nội dung chính của chuỗi giá trị, ngành hàng và các phương pháp mô hình hóa và đánh giá chuỗi giá trị hoặc ngành hàng. Môn học chủ yếu thiên về các nội dung ứng dụng cho hàng hóa nông sản; và các cách thức ứng dụng trong phân tích chính sách sản xuất hàng hóa nông sản, và chính sách nông nghiệp ở các mức độ ngành, vùng và quốc tế. Môn học cũng giới thiệu các công cụ áp dụng để xây dựng chuỗi giá trị hoặc ngành hàng và áp dụng các kỹ thuật phân tích định tính, phân tích định lượng cho các ngành hàng cụ thể và phân tích chính sách. Ngoài ra, môn học cũng đề cập đến các mô hình liên kết trong chuỗi giá trị nông sản và vai trò của hợp đồng kinh tế trong chuỗi giá trị. Môn học thiên về thực hành những bài tập ứng dụng, phân tích các nghiên cứu thực nghiệm để giúp sinh viên phát triển tư duy và kỹ năng phân tích chính sách nông nghiệp.
  • Tham quan doanh nghiệp.

Phân tích lợi ích – chi phí:

  • Bộ môn phụ trách: Kinh tế môi trường, nông nghiệp và tài nguyên – Khoa kinh tế.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Kinh tế vi mô căn bản, Kinh tế môi trường, Tài chính doanh nghiệp.
  • Phân tích lợi ích – chi phí các dự án đầu tư hay còn gọi là kinh tế học về thẩm định dự án (Economics of Project Appraisal) vận dụng các nguyên lý của kinh tế học để xây dựng khung phân tích lợi ích và chi phí của các dự án đầu tư theo những quan điểm khác nhau, thông qua đó giúp các chủ thể kinh tế có thể nhận diện đúng và đầy đủ các lợi ích và chi phí của các dự án đầu tư để hỗ trợ cho việc ra quyết định một cách duy lý. Các chủ thể ra quyết định trong nền kinh tế có thể là các cá nhân, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, quỹ phát triển hay chính phủ. Các cá nhân, doanh nghiệp hay ngân hàng phân tích dự án thuần túy dựa trên quan điểm tài chính hạn hẹp. Trong khi đó, các quỹ phát triển và chính phủ phân tích dự án trên quan điểm của cả nền kinh tế. Dựa trên các quan điểm khác nhau của các chủ thể ra quyết định, lợi ích và chi phí của cùng một dự án cũng sẽ được ghi nhận một cách rất khác nhau. Do đó, kết quả phân tích một dự án có thể giống nhau hoặc đối lập nhau theo các quan điểm phân tích khác nhau, cụ thể một dự án được xem là tốt trên quan điểm của một nhóm lợi ích không chắc chắn rằng dự án đó sẽ được xem là tốt trên quan điểm của cả nền kinh tế và ngược lại.
  • Môn học này trang bị cho sinh viên nền tảng lý thuyết và các bài tập thực hành trên Excel với nhiều loại dự án khác nhau. Cụ thể, môn học giúp sinh viên: (1) Hiểu rõ các nguyên lý cơ bản trong lĩnh vực thẩm định dự án; (2) Phân biệt các quan điểm khác nhau trong thẩm định dự án; (3) Xây dựng báo cáo ngân lưu tài chính của một dự án; (4) Tính toán và sử dụng các tiêu chí đánh giá khả năng sinh lợi về mặt tài chính và khả năng bền vững về mặt tài chính của một dự án; (5) Suất chiết khấu tài chính và ý nghĩa của lá chắn thuế; (6) Vai trò của phân tích kinh tế trong thẩm định dự án và những khác biệt so với phân tích tài chính dự án; (7) Ước lượng giá ẩn của các lợi ích và chi phí có thị trường mà dự án cung cấp hoặc sử dụng; (8) Biết được các kỹ thuật định giá phi thị trường để ước lượng các ngoại tác mà dự án tạo ra/gây ra cho xã hội; (9) Hiểu được các kỹ thuật phân tích rủi ro và quản lý rủi ro trong thẩm định dự án.

Nguyên lý kế toán:

  • Bộ môn phụ trách: Nguyên lý kế toán – Khoa kế toán.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Không.
  • Môn học này nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất về kế toán – một trong những công cụ quản lý kinh tế của doanh nghiệp. Cụ thể, môn học giới thiệu cho sinh viên các nội dung sau đây: (1) Đối tượng, môi trường và phương pháp kế toán; (2) Khái niệm, nguyên tắc kế toán và bảng cân đối kế toán; (3) Báo cáo kết quả kinh doanh; (4) Tài khoản: nội dung, nguyên tắc ghi chép và hệ thống tài khoản Việt Nam; (5) Ghi sổ kép – khái niệm, các loại định khoản, sổ tổng hợp và đối chiếu có liên quan; (6) Tính giá tồn kho và tài sản cố định; (7) Chứng từ kế toán và kiểm kê – sổ kế toán, kỹ thuật ghi sổ, sửa sổ kế toán, và các hình thức kế toán; (8) Kế toán quá trình mua hàng và kế toán quá trình sản xuất sản phẩm; (9) Kế toán bán hàng và xác định kết quả kinh doanh.

Tài chính doanh nghiệp:

  • Bộ môn phụ trách: Tài chính doanh nghiệp – Khoa tài chính.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Kinh tế vi mô căn bản, Kinh tế vĩ mô căn bản, Nguyên lý kế toán.
  • Môn học này trang bị cho sinh viên kiến thức cơ bản về tài chính doanh nghiệp. Cụ thể, môn học cung cấp cho sinh viên các nội dung sau đây: (1) Giới thiệu tổng quan về các loại hình công ty; (2) Giới thiệu tổng quan về phân tích báo cáo tài chính – bảng cân đối kế toán, báo cáo thu nhập, báo cáo lưu chuyển tiền tệ; (3) Giá trị tiền tệ theo thời gian và các tiêu chí quyết định khả năng sinh lợi tài chính – NPV, IRR, thời gian hoàn vốn, và các chỉ số về khả năng sinh lợi; (4) Các vấn đề cơ bản về lập ngân sách vốn đầu tư; (5) Định giá chứng khoán; (6) Thị trường vốn và định giá rủi ro, mô hình định giá tài sản vốn; (7) Cấu trúc vốn, lá chắn thuế và suất chiết khấu; (8) Chính sách chia cổ tức.

B. Kiến thức về quản trị kinh doanh, marketing và xuất nhập khẩu

Các học phần bắt buộc

Khởi sự kinh doanh: 

  • Bộ môn phụ trách: Trung tâm Phát triển khởi nghiệp – UEH.
  • Thời lượng: 1 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Không.
  • Mục tiêu của môn học này nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên hướng đến tạo nên những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng của sự tiến bộ về khoa học công nghệ mới. Môn học được thiết kế để cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản như: Hệ sinh thái khởi nghiệp và cách thức thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo-đổi mới-khởi nghiệp kinh doanh, cách thức nhận dạng và khai thác cơ hội kinh doanh, xây dựng mô hình kinh doanh, các hình thức pháp lý cần chú ý khi thành lập doanh nghiệp, lập kế hoạch kinh doanh. Việc trình bày và truyền đạt các kiến thức nêu trên theo phương châm tích hợp và ứng dụng các kiến thức nền tảng trong lĩnh vực quản trị kinh doanh vào thực tế khởi nghiệp và vận hành doanh nghiệp khởi nghiệp trong bối cảnh của môi trường kinh tế – công nghệ- xã hội của Việt Nam.

Quản trị học: 

  • Bộ môn phụ trách: Khoa quản trị.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Không.
  • Môn học này cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về quản trị một tổ chức (doanh nghiệp). Qua học phần này sinh viên sẽ nắm được lý thuyết chung về quản trị một tổ chức (doanh nghiệp), bao gồm: các khái niệm và sự cần thiết của quản trị, các chức năng cơ bản của quản trị, các kỹ năng yêu cầu đối với nhà quản trị và những vai trò cơ bản của nhà quản trị trong tổ chức, phân tích ảnh hưởng của môi trường đến hoạt động của doanh nghiệp, phân tích các tình huống quản trị và ra quyết định quản trị để giải quyết tình huống, lãnh đạo và động viên nhân viên … Ngoài ra học phần còn đề cập đến các tư tưởng quản trị và một số mô hình quản trị hiện đại. 

Quản trị chất lượng: 

  • Bộ môn phụ trách: Quản trị chất lượng – Khoa quản trị.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Quản trị học.
  • Môn học cung cấp các kiến thức cơ bản về chất lượng và quản trị chất lượng; các mô hình quản trị chất lượng tiên tiến; cách thức xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống quản trị chất lượng trong các tổ chức nhằm góp phần tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường; nguyên tắc và các phương pháp đánh giá chất lượng, đánh giá hệ thống quản lý chất lượng. Cụ thể, môn học giúp sinh viên: (1) Hiểu rõ các khái niệm cơ bản về chất lượng và quản trị chất lượng cũng như vai trò của quản trị chất lượng đối với sự thành công của tổ chức; (2) Hiểu rõ các nguyên tắc và các chức năng của quản lý chất lượng; (3) Hiểu và có khả năng sử dụng một số kỹ thuật quản lý chất lượng; (4) Nhận biết được các phương pháp đánh giá chất lượng, đánh giá hệ thống quản lý chất lượng và có khả năng ứng dụng các phương pháp đánh giá; (5) Hiểu được bản chất của hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9000.

Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm: 

  • Bộ môn phụ trách: Kinh tế môi trường, nông nghiệp và tài nguyên – Khoa kinh tế.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Quản trị chất lượng.
  • Môn học bắt đầu với các khái niệm về an toàn thực phẩm và hệ thống quản lý chất lượng. Sau đó, sinh viên sẽ tìm hiểu những vấn đề quan trọng về thực phẩm, quan tâm của thế giới và các thành phần của hệ thống kiểm soát thực phẩm quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh gia tăng thương mại toàn cầu trong hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa. Các vấn nạn thường xảy ra về an toàn thực phẩm ở các nước đang phát triển cũng được trình bày kết hợp với yêu cầu sinh viên tìm hiểu thông tin thực tiễn về các vấn đề an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Sinh viên được giới thiệu căn bản về hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm toàn cầu thông qua hoạt động của Ủy ban liên hợp FAO/WHO về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm Codex Alimentarius lồng ghép với tiêu chuẩn HACCP và ISO 22000:2500, các thỏa thuận và quy định về SPS, TBT của WTO trong thương mại toàn cầu. Cuối cùng, môn học sẽ giới thiệu cơ sở pháp lý về kiểm soát an toàn thực phẩm quốc gia, hệ thống quản lý nhà nước liên quan, và các bộ tiêu chuẩn VietGAP đang được ban hành và áp dụng. 
  • Tham quan doanh nghiệp.

Thông lệ thương mại quốc tế: 

  • Bộ môn phụ trách: Kinh doanh quốc tế – Khoa kinh doanh quốc tế và marketing.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Không.
  • Các doanh nghiệp khi đưa ra bất kỳ quyết định nào đều đòi hỏi sự hiểu biết nhất định về hệ thống pháp lý cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân theo luật pháp hiện hành. Môn học này giới thiệu những kiến thức pháp lý cơ bản trong kinh doanh quốc tế. Hệ thống pháp lý gồm: điều kiện thương mại quốc tế – INCOTERMS; Công ước Bern về sở hữu trí tuệ; UCP- 600 – Qui tắc thống nhất và thực hành tín dụng chứng từ; ISBP – Tập quán ngân hàng theo tiêu chuẩn quốc tế áp dụng cho việc kiểm tra chứng từ trong phương thức thanh toán tín dụng chứng từ; những quy định của WTO về thương mại hàng hóa và dịch vụ; các hiệp định thương mại song phương và đa phương trên thế giới và Việt Nam. 

Quản trị xuất nhập khẩu: 

  • Bộ môn phụ trách: Kinh doanh quốc tế – Khoa kinh doanh quốc tế và marketing.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Thông lệ thương mại quốc tế.
  • Học phần giới thiệu cho sinh viên những kiến thức cơ bản về quản trị xuất nhập khẩu, gồm những nội dung chủ yếu sau: (1) Hoạch định chiến lược kinh doanh xuất nhập khẩu; (2) Đàm phán hợp đồng xuất nhập khẩu; (3) Soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và tổ chức thực hiện các hợp đồng xuất nhập khẩu.
  • Mời doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chia sẻ kinh nghiệm.

Quản trị kinh doanh nông sản: 

  • Bộ môn phụ trách: Kinh tế môi trường, nông nghiệp và tài nguyên – Khoa kinh tế.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Kinh tế nông nghiệp, Quản trị học.
  • Kinh doanh nông sản là môn học kết hợp giữa kinh tế học và quản trị áp dụng trong lĩnh vực kinh doanh nông sản. Môn học giúp sinh viên tìm hiểu các khía cạnh khác nhau trong hoạt động của ngành sản xuất nông nghiệp cũng như các vấn đề trong hoạt động kinh doanh trên thị trường nông sản. Môn học cũng giúp sinh viên nắm được các vấn đề, các yếu tố ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp và thị trường nông sản. Từ đó giúp sinh viên có thể phân tích, đánh giá tiềm năng của một ngành kinh doanh, của một thị trường và cơ hội nghề nghiệp trong hoạt động kinh doanh nông sản. Môn học bao gồm bảy nội dung quan trọng: (1) Giới thiệu các vấn đề chung, các khái niệm cơ bản về ngành sản xuất nông nghiệp và thị trường nông sản để sinh viên thấy được bức tranh tổng thể của thị trường và các thành phần tham gia trong thị trường; (2) Giới thiệu thị trường nông sản và các phương thức giao địch trong thị trường nông sản, bao gồm các phương thức giao dịch mua bán nông sản khác nhau từ quy mô nhỏ tới quy mô lớn, từ những phương thức giao dịch đơn giản tới phức tạp như phương thức hoạt động của giao dịch giao sau và thị trường hàng hàng hóa; (3) Giới thiệu cơ bản về các khái niệm và kỹ thuật dự báo trong lĩnh vực nông nghiệp và kinh doanh nông sản để giúp sinh viên dự đoán xu hướng biến động của thị trường nông sản trong tương lai; (4) Tóm lược về các khía cạnh trong việc quản trị và kiểm soát rủi ro nông nghiệp như phân loại rủi ro, các cơ chế chia sẻ rủi ro, các công cụ cơ bản trong quản trị rủi ro nông nghiệp; (5) Tìm hiểu hoạt động kinh doanh nông sản quốc tế, chẳng hạn như cơ chế hình thành và các lợi ích của việc giao thương quốc tế, các vấn đề trong kinh doanh nông sản quốc tế, đặc biệt là vấn đề rào cản thương mại nông sản; (6) Các vấn đề kinh doanh nông sản nội địa, phương pháp tiếp cận là dựa vào chuỗi giá trị thị trường tổng thể, từ khâu cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào cho tới tay người tiêu dùng cuối cùng; (7) Tổng hợp và ứng dụng các thông tin, kiến thức đã học để giúp sinh viên có thể tự xem xét, tự đánh giá về tiềm năng tham gia kinh doanh vào ngành nông sản, mức độ phù hợp của mình như thế nào, và các điểm cơ bản để khởi nghiệp kinh doanh và thành công. 
  • Quan sát thực tế, và mời chuyên gia báo báo chuyên đề.

Quản lý trang trại: 

  • Bộ môn phụ trách: Kinh tế môi trường, nông nghiệp và tài nguyên – Khoa kinh tế.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Kinh tế nông nghiệp, Quản trị học.
  • Môn học này ứng dụng có hệ thống các kiến thức về kinh tế, quản trị, và tài chính để giúp sinh viên hiểu được cách thức quản trị nông trại hiện đại một cách hiệu quả. Cụ thể, môn học sẽ tập trung vào các vấn đề như sau: (1) Tổng quan về quản trị nông trại – như các kiến thức cơ bản về quản trị kinh doanh, kinh tế trang trại, các nguồn thông tin cần thiết cho việc phân tích và quản lý nông trại, các chức năng và công việc nhà quản trị nông trại; (2) Quản lý tài nguyên đất nông trại – như nhận diện, phân loại, đánh giá và hoạch định kế hoạch khai thác tài nguyên đất nông trại; (3) Quản trị nguồn nhân lực nông trại – như hoạch định, tuyển chọn, đào tạo, phát triển, đánh giá và duy trì nguồn nhân lực nông trại; (4) Quản trị nguồn vốn nông trại – như quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn lưu động, vốn cố định nông trại, và các nguồn vốn vay cho hoạt động của nông trại; (5) Quản trị máy móc, thiết bị – như xác định số lượng và chi phí mua máy móc, thiết bị cần thiết cho hoạt động sản xuất nông trại, tăng cường hiệu suất và quản lý công tác bảo trì máy móc, thiết bị nông trại; (6) Quản trị rủi ro nông trại – như nhận diện, phân loại và quản lý rủi ro của một số dạng nông trại tiêu biểu; (7) Quản trị kinh doanh nông sản – như các hình thức và phương án kinh doanh nông sản, đo lường suất sinh lợi và thu nhập của nông trại.
  • Tham quan trang trại.

Marketing căn bản: 

  • Bộ môn phụ trách: Marketing – Khoa kinh doanh quốc tế và marketing.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Không.
  • Môn học được thiết kế để cung cấp cho sinh viên sự hiểu biết về những nguyên tắc  marketing. Môn học này bao gồm những chủ đề về phân tích môi trường, hành vi của khách hàng, phân khúc thị trường, xác định thị trường mục tiêu và các thành phần marketing mix (sản phẩm, giá, phân phối, xúc tiến) và những hoạt động thực hiện, kiểm soát marketing. Ngoài ra, môn học này cũng tạo ra cơ hội vận dụng những khái niệm chính yếu của  marketing và phát triển những kỹ năng giải quyết vấn đề thông qua việc phân tích case study và thực hiện các đề tài tài tiểu luận.

Nghiên cứu marketing: 

  • Bộ môn phụ trách: Marketing – Khoa kinh doanh quốc tế và marketing.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Marketing căn bản.
  • Nghiên cứu Marketing cung cấp những thông tin nền tảng giúp nhà quản trị ra các quyết định Marketing. Môn học này phân tích vai trò của thông tin và nghiên cứu trong các quyết định marketing; các loại hình nghiên cứu marketing trong thực tiễn; cách thức xác định vấn đề và mục tiêu nghiên cứu marketing, thực hiện nghiên cứu định tính và định lượng.

Marketing nông sản: 

  • Bộ môn phụ trách: Kinh tế môi trường, nông nghiệp và tài nguyên – Khoa kinh tế.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Kinh tế nông nghiệp, Marketing căn bản.
  • Marketing nông nghiệp là một ứng dụng các kiến thức nền tảng từ lĩnh vực marketing và hành vi người tiêu dùng vào kinh doanh nông sản. Nội dung chính của học phần này bao gồm các nội dung sau đây: (1) Cơ sở lý thuyết và phương pháp luận về marketing nông nghiệp; (2) Các chiến lược cơ bản của marketing nông nghiệp (như chiến lược sản phẩm, chiến lược giá, chiến lượng phân phối và hỗ trợ bán hàng); (3) Các kỹ năng trong xây dựng thương hiệu nông nghiệp và kế hoạch marketing nông nghiệp. Ngoài ra trong quá trình học tập sinh viên  còn được trang bị những hiểu biết cần thiết về pháp luật, xã hội trong kinh doanh nông nghiệp trong thời đại toàn cầu hóa.
  • Tham dự triển lãm nông sản.

Luật kinh doanh: 

  • Bộ môn phụ trách: Luật kinh tế – Khoa luật.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Không.
  • Môn học này nghiên cứu các quy định pháp lý về ba mảng chính quan trọng trong hoạt động kinh doanh thương mại bao gồm: doanh nghiệp, hợp đồng và giải quyết tranh chấp trong kinh doanh.  Môn học đi vào tìm hiểu bản chất pháp lý của từng loại hình doanh nghiệp, vấn đề thành lập doanh nghiệp – tổ chức lại – giải thể – phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; quy định về tổ chức, quản lý nội bộ trong doanh nghiệp. Chế định hợp đồng trong kinh doanh nghiên cứu điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, phương thức ký kết, các điều khoản cơ bản cũng như chế tài áp dụng khi vi phạm hợp đồng. Môn học cũng giúp tiếp cận, nghiên cứu hai phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh hiện nay: giải quyết tranh chấp bằng con đường tòa án và thông qua trọng tài.

C. Công cụ phân tích, dữ liệu và phần mềm thống kê

Các học phần bắt buộc

Toán dành cho kinh tế và quản trị:

  • Bộ môn phụ trách: Toán kinh tế – Khoa toán – thống kê.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Không.
  • Chưa có thông tin.

Thống kê ứng dụng trong kinh tế và kinh doanh:

  • Bộ môn phụ trách: Thống kê và phân tích dữ liệu – Khoa toán – thống kê.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Toán dành cho kinh tế và quản trị.
  • Chưa có thông tin.

Kinh tế lượng ứng dụng:

  • Bộ môn phụ trách: Kinh tế học – Khoa kinh tế.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Toán dành cho kinh tế và quản trị.
  • Môn học kinh tế lượng ứng dụng được thiết kế để giúp sinh viên phát triển khả năng thực hiện các nghiên cứu kinh tế bằng phương pháp định lượng. Môn học bắt đầu bằng việc cung cấp kiến thức căn bản về phân tích hồi quy và sử dụng các ví dụ thực tế để minh họa các mô hình kinh tế lượng phổ biến. Kết thúc môn học, học viên có thể chọn lựa mô hình kinh tế lượng phù hợp với chủ đề nghiên cứu và sử dụng thành thạo phần mềm kinh tế lượng (Stata) cho các mô hình này.

Khoa học dữ liệu cho nhà kinh tế:

  • Bộ môn phụ trách: Kinh tế học – Khoa kinh tế.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Không.
  • Chưa có thông tin.

Phân tích dữ liệu và dự báo kinh tế:

  • Bộ môn phụ trách: Kinh tế đầu tư – Khoa kinh tế.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Kinh tế lượng ứng dụng.
  • Môn học này chia thành hai nội dung: (1) phân tích dữ liệu phục vụ cho việc lập kế hoạch sản xuất – kinh doanh nông nghiệp, và dự báo xu hướng thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng nông sản, thực phẩm trong tương lai, và (2) xây dựng các mô hình dự báo giá cả nông sản, vật tư nông nghiệp và mối quan hệ giữa ngành nông nghiệp và chỉ báo kinh tế vi mô quan trọng trong nền kinh tế.
    • Phân tích dữ liệu sẽ là nội dung chính của môn học, trong đó tập trung chủ yếu vào việc thu thập và xử lý các dữ liệu điều tra hành vi của người tiêu dùng nông sản, thực phẩm. Bên cạnh đó, việc phân tích dữ liệu cũng giúp sinh viên khai thác các nguồn dữ liệu thứ cấp như các báo cáo kết quản hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam, điều tra nông nghiệp, v.v. Công cụ phân tích chủ yếu là các thống kê mô tả bằng bảng biểu, đồ thị và các đại lượng số, và các mô hình hồi quy phổ biến. Kết quả từ phân tích như thế có thể phục vụ cho việc tìm hiểu nhu cầu thị trường về một sản phẩm mới, đánh giá nhu cầu thị trường về một sản phẩm sẵn có, hoặc phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học và làm đề án môn học chuyên ngành của sinh viên. 
    • Xây dựng các mô hình dự báo giá cả nông sản, vật tư nông nghiệp chủ yếu dựa trên phân tích dữ liệu chuỗi thời gian đơn biến. Công cụ phân tích chủ yếu là các đồ thị chuỗi thời gian, giản đồ tự tương quan, và các kiểm định nghiệm đơn vị. Các mô hình dự báo phổ biến bao gồm mô hình tự hồi quy (AR), mô hình trung bình di động (MA), mô hình san mũ Holt, san mũ Winter, mô hình ARIMA, mô hình ARCH, GARCH, v.v. Công cụ phân tích mối quan hệ giữa ngành nông nghiệp và chỉ báo kinh tế vi mô trong nền kinh tế bao gồm hồi quy đồng tích hợp, mô hình hiệu chỉnh sai số (ECM), mô hình VAR, VECM, kiểm định nhân quả Granger, v.v.
    • Môn học này thiên về thực hành trên phần mềm Stata và quản lý dữ liệu bằng các do-files. Ngoài ra, môn học còn giúp sinh viên chuẩn hóa cách trình bày dữ liệu trong các bài báo cáo nghiên cứu (như đề án môn học, chuyên đề tốt nghiệp hoặc bài báo khoa học) hoặc bài thuyết trình trước đám đông.

Viết đề xuất dự án:

  • Bộ môn phụ trách: Kinh tế môi trường, nông nghiệp và tài nguyên – Khoa kinh tế.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Kinh tế lượng ứng dụng.
  • Môn học này được thiết nhằm giúp sinh viên đạt được các mục tiêu sau đây: (1) Viết được một đề xuất kinh doanh bền vững trong nông nghiệp; (2) Viết được một đề xuất xin tài trợ cho một dự án phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường; (3) Viết được một đề xuất nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường; và (4) Phát triển đề cương cho chuyên đề hoặc khóa luận tốt nghiệp.

Đặc biệt: Bộ môn Kinh tế môi trường, nông nghiệp và tài nguyên có tổ chức các buổi phụ đạo miễn phí cho sinh viên chuyên ngành về thống kê ứng dụng, kinh tế lượng ứng dụng, và hướng dẫn sử dụng các phần mềm kinh tế lượng như Stata, Eviews, và R

D. Tiếng Anh giao tiếp trong kinh tế, kinh doanh và thương mại

Các học phần bắt buộc

   29) Tiếng Anh P1

   30) Tiếng Anh P2

   31) Tiếng Anh P3

   32) Tiếng Anh P4

[faq_item faq_active=”no” faq_title=”Chuyển điểm quy đổi tiếng Anh”] Khi nộp hơ sơ nhập học tại UEH nếu sinh viên có chứng chỉ tiếng Anh như TOEIC, TOEFL hoặc IELTS còn thời hạn giá trị và có nguyện vọng xét miễn học (và sẽ không phải đóng học phí các học phần này) sẽ được chuyển điểm quy đổi một lần duy nhất cho các học phần tiếng Anh theo Quyết định số 3398/QĐ-ĐHKT-QLĐT ngày 19 tháng 9 năm 2016 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Sinh viên có thể tìm hiểu chi tiết tại đây: http://daotao.ueh.edu.vn/qui-che/1/2016-10-26-quy-dinh-xet-mien-hoc-va-chuyen-diem-quy-doi-cac-hoc-phan-tieng-anh-trong-chuong-trinh-tien-tien-quoc-te-ueh-bac-dai-hoc-doi-voi-sinh-vien-dat-chung-chi-tieng-anh-quoc-te

[faq_item faq_active=”no” faq_title=”Yêu cầu tiếng Anh chuyên ngành”] Ngành không yêu cầu ngoại ngữ đầu vào. Tuy nhiên, trong chương trình học giai đoạn chuyên ngành, hầu hết các môn học đều sử dụng giáo trình tiếng Anh. Một số môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh và có yêu cầu sử dụng tiếng Anh để làm bài tập. Hoặc chuyên ngành khuyến khích sinh viên viết chuyên đề tốt nghiệp hoặc khóa luận tốt nghiệp bằng tiếng Anh. Cho nên, sinh viên cần nỗ lực học thêm tại các trung tâm Anh ngữ hoặc tự học tiếng Anh trong giai đoạn đại cương (và duy trì trong giai đoạn chuyên ngành) để có thể học tốt các môn chuyên ngành và đạt trình độ tiếng Anh nhất định cho công việc tương lai.

E. Phát triển kỹ năng mềm, lý luận chính trị và thái độ làm việc

Bên cạnh các học phần bắt buộc về lý luận chính trị và thái độ (như triết học, chính trị, tư tưởng, và giáo dục quốc phòng), sinh viên có nhiều cơ hội để phát triển các kỹ năng mềm thông qua làm việc nhóm, thuyết trình, làm poster/brochure môn học, tham dự hội thảo khoa học (ví dụ STBI của khoa kinh tế) / hoặc hội nghị chuyên ngành (ví dụ các hội nghị do Hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp và trang trại Việt Nam tổ chức), tham dự báo cáo ngoại khóa, tham gia các hoạt động xã hội và từ thiện của trường, khoa, và các câu lạc bộ sinh viên, và đọc các thể loại sách ngoài giáo trình như văn học nghệ thuật, văn hóa xã hội, tâm lý, và pháp luật. Ngoài ra, trung tâm hỗ trợ sinh viên của trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức các khóa huấn luyện ngắn về kỹ năng mềm có cấp chứng nhận như kỹ năng đàm phán, quản lý và làm chủ cảm xúc, giao tiếp hiệu quả, quản lý thời gian, kỹ năng soạn thảo văn bản, … với mức phí ưu đãi dành cho sinh viên chính quy của UEH. 

F. Thực tập và tốt nghiệp

Sinh viên chuyên ngành Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp có thể lựa chọn 1 trong 4 hình thức cho học phần thực tập và tốt nghiệp (trong học kỳ cuối) như sau:

  1. Thực tập và viết báo cáo thực tập (10 tín chỉ): Sinh viên đi thực tập tại một cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp hoặc một doanh nhiệp kinh doanh nông nghiệp và viết báo cáo thực tập (theo mẫu của Bộ môn Kinh tế môi trường, nông nghiệp và tài nguyên) dưới sự hướng dẫn của giảng viên được phân công.
  2. Khóa luận tốt nghiệp (10 tín chỉ): Sinh viên không cần phải đi thực tập tại một cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp hoặc một doanh nhiệp kinh doanh nông nghiệp, nhưng phải viết khóa luận tốt nghiệp dạng một bài nghiên cứu (theo mẫu của Bộ môn Kinh tế môi trường, nông nghiệp và tài nguyên) dưới sự hướng dẫn của giảng viên được phân công.
  3. Học phần thay thế (ít nhất 10 tín chỉ): Sinh viên không cần phải đi thực tập tại một cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp hoặc một doanh nhiệp kinh doanh nông nghiệp, nhưng phải chọn học các học phần thay thế theo quy định sau đây: (a) Báo cáo ngoại khóa và tham quan doanh nghiệp; (b) Khởi nghiệp kinh doanh nông nghiệp; (c) Ít nhất ba học phần trong danh mục học phần thay thế tự chọn.
  4. Thực tập – Học phần thay thế: Sinh viên đi thực tập thực tế tại một cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp hoặc một doanh nhiệp kinh doanh nông nghiệp (4 tín chỉ) và chọn học (ít nhất 6 tín chỉ) một số học phần thay thế theo quy định sau đây: (a) Báo cáo ngoại khóa và tham quan doanh nghiệp; (b) Khởi nghiệp kinh doanh nông nghiệp; (c) Ít nhất một học phần trong danh mục học phần thay thế tự chọn. Theo hình thức này, sinh viên không phải viết chuyên đề tốt nghiệp, nhưng sẽ được đánh giá kết quả thực tập từ thủ trưởng nơi thực tập (chiếm 40% tổng số điểm).

Tải xuống:

Các học phần thay thế

A. Bắt buộc

Báo cáo ngoại khóa và tham quan doanh nghiệp:

  • Bộ môn phụ trách: Kinh tế môi trường, nông nghiệp và tài nguyên – Khoa kinh tế.
  • Thời lượng: 2 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Không.
  • Học phần này bao gồm ba hoạt động: Thứ nhất, sinh viên được nghe các chuyên gia và nhà quản lý doanh nghiệp hoặc cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp chia sẻ kinh nghiệm thực tế liên quan đến cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Các chủ đề dự kiến như sau: (1) Quản lý chất lượng thực phẩm và thu mua nông sản trong hệ thống siêu thị; (2) Khởi nghiệp kinh doanh và xuất khẩu nông sản; (3) Cơ hội và thách thức của nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam; (4) Những vấn đề cơ bản về công nghệ thực phẩm; và (5) Vai trò của hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp và trang trại Việt Nam. Thứ hai, sinh viên tham dự ít nhất một hội nghị về nông nghiệp do Hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp và trang trạng Việt Nam tổ chức. Thứ ba, tham quan ít nhất một doanh nghiệp nông nghiệp, thực phẩm, một trang trại hoặc hợp tác xã nông nghiệp, và khu nông nghiệp công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh. Sau mỗi hoạt động này, sinh viên yêu cầu nộp bài thu hoạch để đánh giá kết quả môn học.

Khởi nghiệp kinh doanh nông nghiệp:

  • Bộ môn phụ trách: Kinh tế môi trường, nông nghiệp và tài nguyên – Khoa kinh tế.
  • Thời lượng: 2 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Không.
  • Học phần này bao gồm 6 buổi học chuyên đề do Trung tâm Phát triển khởi nghiệp của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh giảng dạy. Các chuyên đề này bao gồm: (1) Đổi mới, sáng tạo, thương mại hóa ý tưởng kinh doanh; (2) Bảo hộ tài sản trí tuệ và các vấn đề pháp lý khi thành lập doanh nghiệp; (3) Các phương thức khởi nghiệp kinh doanh: mua lại doanh nghiệp, nhượng quyền kinh doanh, thành lập doanh nghiệp mới; và các mô hình kinh doanh; (4) Lập kế hoạch kinh doanh; (5) Tài chính khởi nghiệp; (6) Marketing khởi nghiệp. Sau khi hoàn thành các chuyên đề này, mỗi sinh viên phải viết và trình bày dự án khởi nghiệp về một sản phẩm nông nghiệp hoặc môi trường để đánh giá kết quả môn học.
  • Mời diễn giả chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp nông nghiệp sạch hoặc các mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

B. Tự chọn

Phân tích tài chính:

  • Bộ môn phụ trách: Tài chính doanh nghiệp – Khoa tài chính.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Tài chính doanh nghiệp.
  • Chưa có thông tin.

Thẩm định dự án đầu tư:

  • Bộ môn phụ trách: Kinh tế đầu tư – Khoa kinh tế
  • Thời lượng: 2 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Kinh tế vi mô căn bản, Toán dành cho kinh tế và quản trị.
  • Học phần này về cơ bản giống với Phân tích lợi ích – chi phí các dự án đầu tư. Tuy nhiên, học phần này chủ yếu hướng dẫn sinh viên quy trình thẩm định tài chính các dự án tư như nhà máy sản xuất, tòa nhà cho thuê, hoặc trang trại. Nội dung môn học bao gồm: (1) Thu thập dữ liệu để lập bảng thông số cho dự án; (2) Xây dựng báo cáo ngân lưu tài chính theo hai quan điểm tổng đầu tư và chủ đầu tư; (3) Xác định suất chiết khấu tài chính thích hợp cho từng quan điểm thẩm định; (4) Tính toán các tiêu chí đánh giá khả năng sinh lời của dự án như NPV, IRR, BCR, và PP; (5) Phân tích độ nhạy và phân tích tác động của lạm phát lên kết quả dự án; (6) Phân tích rủi ro định lượng theo phương pháp mô phỏng Monte Carlo; (7) Viết báo cáo thẩm định tài chính dự án. Đặc biệt, môn học này thiên về thực hành các bài tập tình huống trên Excel.

Thiết kế và quản lý dự án kinh doanh nông nghiệp:

  • Bộ môn phụ trách: Kinh tế môi trường, nông nghiệp và tài nguyên – Khoa kinh tế.
  • Thời lượng: 2 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Không.
  • Chưa có thông tin.

Hành vi người tiêu dùng:

  • Bộ môn phụ trách: Marketing – Khoa kinh doanh quốc tế và marketing.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Marketing căn bản.
  • Đây là môn học nền tảng của ngành Marketing. Từ việc thấu hiểu người tiêu dùng sẽ giúp sinh viên phân tích các cơ hội marketing, phân khúc thị trường và xác định thị trường mục tiêu cùng với việc đề ra các giải pháp marketing mix (sản phẩm, giá, phân phối, xúc tiến) nhằm đạt các kết quả marketing. Môn học cung cấp những kiến thức cơ bản về nhu cầu, hành vi mua; quá trình ra quyết định và các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi mua của người tiêu dùng.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp:

  • Bộ môn phụ trách: Khoa quản trị.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Quản trị học, Kinh tế môi trường.
  • Chưa có thông tin.
  • Mời doanh nghiệp có bộ phân CSR đến chia sẻ kinh nghiệm.

Quản lý nguồn nhân lực:

  • Bộ môn phụ trách: Quản trị nguồn nhân lực – Khoa kinh tế.
  • Thời lượng: 3 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết:
  • “HRM – Quản lý nguồn nhân lực, là một yếu tố đầu vào hết sức cần thiết nhằm tăng hiệu quả kinh doanh. Theo mô hình EFQM, tiêu chí HRM đề cập đến các yếu tố như quy hoạch, quản lý và nâng cao năng lực nguồn nhân lực; xác định, phát triển và duy trì kiến thức và năng lực của người lao động; khuyến khích sự tham gia và trao quyền cho người lao động. Tất cả các yếu tố này đều có tác động tới kết quả kinh doanh bởi nhân lực là một loại tài sản cố định chính của doanh nghiệp. HRM có tác động đặc biệt to lớn trong hoạt động của các ngành sản xuất chế tạo.” (Cakar và Bititci – 2001). Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đóng góp đến 80% vào sự thành công của tổ chức. Trong điều kiện xã hội đang phát triển sang nền kinh tế tri thức, nhân tố tri thức của con người ngày càng chiếm vị trí quan trọng. Vì vậy, quản trị nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng trong tổ chức, giúp tổ chức đạt hiệu quả tối đa.

Nguyên lý công nghệ nông nghiệp:

  • Bộ môn phụ trách: Kinh tế môi trường, nông nghiệp và tài nguyên – Khoa kinh tế.
  • Thời lượng: 2 tín chỉ.
  • Điều kiện tiên quyết: Không.
  • Sinh viên chuyên ngành kinh tế nông nghiệp khi tốt nghiệp thường phải làm việc trong một môi trường quản lý kinh tế cho sản xuất nông nghiệp hoặc kinh doanh nông sản. Môi trường này đòi hỏi sinh viên phải có kiến thức tối thiểu về công nghệ nông nghiệp nói chung, công nghệ trồng trọt và chăn nuôi nói riêng, cũng như các quy trình kỹ thuật sản xuất tương ứng cho một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cụ thể, cũng như quy trình quản lý chất lượng nông sản. Vì vậy, môn học này nhằm trang bị những kiến thức cơ sở về công nghệ nông nghiệp để giúp sinh viên có thể áp dụng tốt các kiến thức kinh tế vào việc phân tích, đánh giá chi phí sản xuất cây trồng vật nuôi, lập kế hoạch kinh doanh hoặc thiết lập và thẩm định dự án sản xuất kinh doanh nông sản phù hợp với tính chất kỹ thuật đặc thù của từng loại cây trồng vật nuôi.
  • Tham quan hợp tác xã VietGAP.

Kế hoạch học tập theo học kỳ

Chương trình Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp hoàn tất trong 3.5 năm, được chia thành 7 học kỳ. Để biết chi tiết kế hoạch học tập, sinh viên có thể tham khảo trên website: http://online.ueh.edu.vn/.

GIẢNG VIÊN

(đang cập nhật)