Back

[STBI-01-02-2018] Những khác biệt giữa mô hình lý trí và mô hình hành vi trong lựa chọn giải pháp ra quyết định

Khoa Kinh tế UEH trân trọng kính mời Quý Thầy/Cô, các Anh/Chị Nghiên cứu sinh, học viên cao học và các bạn sinh viên đến tham dự Hội thảo Small Talks Big Ideas (STBI) tuần tới. Thông tin chi tiết về hội thảo tới tại Khoa như sau:

(1) Chủ đề: “Những khác biệt giữa mô hình lý trí và mô hình hành vi trong lựa chọn giải pháp ra quyết định

(2) Người trình bày: Ts. Thái Trí Dũng

(3) Thời gian: 11h00 – 12h00, Thứ Năm, ngày 1 tháng 2 năm 2018

(4) Địa điểm: Hội trường H.001, cơ sở 1A Hoàng Diệu, Phú Nhuận.

Trân trọng kính mời quý thầy cô và các anh chị sắp xếp tham dự và cùng trao đổi về chủ đề này.
Tóm tắt
Năm 2017 GS Richard H. Thaler (Đại học Chicago, Hoa Kỳ) đạt Giải Nobel kinh tế cho những đóng góp của ông trong nghiên cứu về kinh tế học hành vi nhằm lý giải yếu tố tâm lý chi phối như thế nào tới các quyết định kinh tế.

Cho đến nay, quan điểm chủ đạo trong kinh tế học truyền thống giả định rằng tất cả mọi người đều đưa ra các quyết định kinh tế dựa trên những tính toán lý trí. Quan điểm đó cũng ảnh hưởng tới giới làm chính sách, ví dụ, những nhà quản lý ban hành chính sách về kinh tế, xã hội thường dựa trên quan điểm là nếu chính sách đó có tác động tốt trên lý thuyết thì khi đưa vào thực tế sẽ được đón nhận. Nhưng từ khoảng 20 năm trước GS. Richard H. Thaler là người đã tiên phong xây dựng lý thuyết kinh tế học hành vi, đó là sự kết hợp giữa tâm lý học và kinh tế học. R. Thaler cho rằng con người không đưa ra các quyết định dựa trên lựa chọn duy lý mà bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý như: tính duy lý bị hạn chế, sở thích xã hội và tính thiếu kiềm chế bản thân. Chính những yếu tố này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới các quyết định của mỗi cá nhân cũng như tới thị trường.

Trong bài nghiên cứu này tác giả phân tích những khác biệt giữa mô hình ra quyết định dựa vào lý trí (các nhà kinh tế học truyền thống hay dùng) và mô hình vi để từ đó thấy rõ hơn về những quyết định của con người trong thực tế bị chi phối bởi những yếu tố tâm lý nào, có nghĩa là chỉ ra những khác biệt cách thức ra quyết định của “con người thực” với “con người kinh tế” hay còn gọi là “Econ”. Trên cơ sở đó chỉ ra những gợi ý trong việc hạn chế những sai sót trong việc ra quyết định trong các tổ chức.

Tải file bài viết tại đây