Back

🕒 Thời gian học: 3.5 năm

🍀 Chương trình đào tạo chuyên ngành Kinh tế học ứng dụng được thiết kế trên cơ sở tham khảo chương trình đào tạo của các trường trong top 200 trường đại học uy tín trên thế giới, bao gồm Australian National University, University of Queensland, University of Melbourne và các trường khác.

1. Tổng quan

Học kinh tế phải hiểu Kinh tế học.

Kinh tế học không chỉ bạn một cách trực tiếp về cách thức làm giàu nhưng kinh tế học mang lại cho bạn tư duy của nhà kinh tế, nhà chiến lược, nhà hoạch định chính sách và cả của người làm kinh tế nữa.

Ngay cả tỷ phú Warent Buffet hay Donal Trump…. cũng đã từng học chuyên ngành Kinh tế học.

Nếu bạn chỉ làm những công việc mang tính chất thực hành thì có thể bạn không cần đến kinh tế học. Nhưng nếu bạn muốn là người có được những quyết định đúng cho các hoạt động kinh tế thì kinh tế học là kiến thức không thể thiếu được mà bạn cần phải có.

Ngành kinh tế học ứng dụng không chỉ mang lại cho bạn những nền tảng kiến thức cần thiết về kinh tế mà còn cung cấp cho bạn những công cụ phân tích và một số kiến thức bổ trợ về đầu tư, tài chính, kế toán. Đặc biệt hơn nữa, ngành học còn tạo cơ hội cho bạn được chọn một số môn ở các chuyên ngành khác mà bạn cảm thấy cần thiết và thích học.

↪ mở rộng

Về môi trường học tập thì bạn không có gì phải lo lắng. Vào ngành kinh tế học, bạn sẽ được chào đón nồng nhiệt và nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của Thầy cô dễ mến, các anh chị sinh viên khóa trên dễ thương. Các bạn sẽ có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động của Khoa, của ngành và các câu lạc bộ vô cùng thú vị.

Về tài liệu học tập, các bạn lại càng có lợi thế vì rằng trường Đại học kinh tế TP.HCM đã xây dựng chương trình tiên tiến quốc tế bằng việc sử dụng những giáo trình tiên tiến nhất trên thế giới của những giáo sư uy tín đầu ngành của các trường đại học lớn như Havard. Như vậy, các bạn sẽ được trang bị những kiến thức đã được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế như tất cả các bạn sinh viên khác trên thế giới. Và nếu bạn có cơ hội được học tiếp hay làm việc ở nước ngoài thì bạn không phải lo lắng về kiến thức mình đã được học nhé.

Về cơ hội việc làm thì bạn hãy yên tâm vì rằng nếu bạn giỏi, tích lũy nhiều kiến thức kỹ năng thì cơ hội việc làm của bạn không thua kém gì các ngành khác đâu nhé. Doanh nghiệp, ngân hàng, các tập đoàn nước ngoài hay các cơ quan nhà nước và các tổ chức quốc tế đều cần những người có kiến thức và tư duy kinh tế để phân tích và ra quyết định. Còn nếu bạn muốn làm nhà nghiên cứu kinh tế, giảng viên kinh tế thì không ngành nào thích hợp bằng ngành kinh tế học cả.

Tuy nhiên học kinh tế học cũng có nhiều thách thức vì phải tư duy, suy luận nhiều nhưng chính điều đó cũng là điểm thú vị của chuyên ngành. Chính vì vậy, ở các nước tiên tiến, kinh tế học thường là sự lựa chọn của những người học có đam mê khám phá nền kinh tế và có nhiều năng lực đấy các bạn.

Các bạn hãy lắng nghe chia sẻ của một số anh chị cựu học viên và các anh chị cựu sinh viên vừa tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế học nhé.

Chia sẻ của anh Dương Chí Tâm – cựu sinh viên Kinh tế học Khóa 38. Anh đã từng thành công trong các đợt tuyển chọn thực tập viên ở nhiều công ty lớn trong quá trình học và hiện nay anh đang là Marketing Manager của Công ty lớn.”Tôi không chắc là liệu Kinh tế học có phải lài lựa chọn “đúng đắn hay không” nhưng tôi biết rất rõ: tại đây tôi học được không chỉ là kiến thức mà là cả cách nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề. Tại đây, tôi có một không gian phát triển đúng nghĩa, không chỉ từ thầy cô mà là cả những người bạn đã cùng tôi gắn bó suốt 2 năm chuyên ngành đáng nhớ. Tại đây, tôi học được rằng kết quả tốt đẹp chỉ tới sự nỗ lực, những lần thức khuya làm bài thuyết trình hay làm luận án đều là cách tôi rèn luyện bản thân mình. Những nét nổi bật của ngành Kinh tế học là lấy tư duy làm gốc, không chạy theo điểm số mà là bản chất của vấn đề. Khó khăn, vất vả, áp lực là những điều mà ai khi tốt nghiệp đại học cũng phải gặp trên con đương sự nghiệp của bản thân, và tại Kinh tế học bạn sẽ được trải nghiệm những điều này, dĩ nhiên là ở đây bạn sẽ được hướng dẫn và giúp đỡ từ thầy cô và bạn bè để đối mặt với nó. Được học với những thầy cô không chỉ có chuyên môn mà còn thấu hiểu sinh viên, sẵn sán thay đổi phương pháp dạy để phù hợp với khả năng của sinh viên. Sự vui vẻ, mỗi lần lên lớp là mỗi lần có những tiếng cười, từ trong giờ học cho tới ngoài giờ.”

Và sau đây là chia sẻ của anh An Như Hưng – cựu sinh viên Kinh tế học khóa K38, là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc đứng đầu toàn trường và Hưng hiện đang là giảng viên của Học viện Ngân Hàng “Đó là một hành trình kỳ thú, miên man và say đắm trên những cung đường bất tận nhiều màu sắc của khoa học kinh tế nhằm khám phá thế giới, khám phá xã hội và khám phá chính bản thân mình; là nơi niềm tin được khẳng định dù từng bị chất vấn và thử thách gay gắt; nơi ý chí được truyền lửa và hun đúc, nơi lấp lánh tình thân thầy trò, bạn bè… nơi bạn có thể tìm thấy “thanh tịnh” trong lòng mình.”

Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Ph.D.
Giám đốc chương trình Kinh tế học ứng dụng

2. Nội dung chương trình

Chương trình bao gồm 120 tín chỉ. Trong đó, 50 tín chỉ các môn học đại cương giống tất cả các ngành học trong UEH; 39 tín chỉ kiến thức ngành kinh tế; 21 tín chỉ kiến thưc chuyên ngành và 10 tín chỉ thực tập hoặc nghiên cứu.

Đặc biệt, sinh viên có thể tùy chọn nhóm 3 môn học ở các chuyên ngành khác trong trường.

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên tốt nghiệp có khả năng học tập suốt đời.

  • Tự học, tự nghiên cứu để nâng cao kiến thức về các lĩnh vực sau đây: Kinh tế, kinh doanh, chính sách kinh tế vĩ mô, phân tích dữ liệu.
  • Có năng lực tiếp tục học ở các lĩnh vực/bậc sau đây:Cao học Kinh tế học và các chuyên ngành của kinh tế học.

50 tín chỉ
môn học đại cương

39 tín chỉ
kiến thức ngành kinh tế

21 tín chỉ
kiến thức chuyên ngành

10 tín chỉ
thực tập nghiên cứu

2.1 Mục tiêu chung

Mục tiêu của chương trình cử nhân Kinh tế học ứng dụng (AE) là đào tạo ra chuyên gia phân tích cho các doanh nghiệp và tổ chức công thông qua cung cấp cho sinh viên các khái niệm và lý thuyết kinh tế học cũng như khả năng ứng dụng trên thực tế; đồng thời trang bị các công cụ phân tích để sinh viên có thể vận dụng các kiến thức đã học vào thực tế. Sinh viên sau khi hoàn tất chương trình được kỳ vọng sẽ có đủ khả năng phân tích chính sách và phân tích thị trường để có thể làm việc ở những vị trí phù hợp trong các doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ.

Ngoài ra, sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng được kỳ vọng sẽ có đủ khả năng theo học ở các bậc học cao hơn ở các trường đại học ở nước ngoài.

2.2 Mục tiêu cụ thể

Chương trình Kinh tế học ứng dụng giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đạt được các mục tiêu sau:

  • Có hiểu biết căn bản về luật phát và chính trị quốc gia, đồng thời hiểu biết về các khía cạnh kinh tế xã hội đương thời.
  • Có kỹ năng phân tích, nghiên cứu, ra quyết định trong các lĩnh vực kinh tế liên quan đến chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức khác
  • Có thể thực hiện các công việc chuyên sâu như phân tích chính sách kinh tế-xã hội, phân tích thị trường, phân tích chiến lược, phân tích tài chính-đầu tư, phân tích dự án.
  • Có khả năng sử dụng công nghệ thông tin và công nghệ dữ liệu hiện đại để thu thập, xử lý các số liệu quan trọng.
  • Có khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm, tư duy phản biện, có kỹ năng giao tiếp, truyền đạt và giải quyết vấn đề

2.3 Chuẩn đầu ra của chương trình

Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế (chuyên ngành Kinh tế học ứng dụng) đạt được các chuẩn đầu ra sau:

2.3.1. Chuẩn đầu ra Kiến thức (Knowledge)

  • Áp dụng kiến thức nền tảng về kinh tế học và các lĩnh vực liên quan bao gồm tài chính kế toán, quản trị kinh doanh, quản lý, luật trong kinh tế và kinh doanh.
  • Phân tích kiến thức chuyên sâu về kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô cũng như các lĩnh vực quan trọng của kinh tế học.
  • Hiểu kiến thức căn bản về lý luận chính trị xã hội.
  • Áp dụng kiến thức về công nghệ thông tin, thống kê, toán trong kinh tế, phân tích dữ liệu và phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh tế và kinh doanh.
  • Áp dụng kiến thức về lập và quản lý dự án, kế hoạch – chiến lược cho tổ chức trong khu vực công và khu vực tư.

2.3.2. Chuẩn đầu ra Kỹ năng (Skills)

  • Có khả năng phân tích, giải quyết vấn đề, kỹ năng phân tích thị trường và phân tích chính sách.
  • Có khả năng năng khởi nghiệp, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý thời gian.
  • Có khả năng tư duy phản biện, tư duy logic, tư duy sáng tạo.
  • Có khả năng làm việc nhóm, làm việc độc lập và các kỹ năng mềm khác.
  • Có khả năng truyền đạt vấn đề, thuyết trình, thuyết phục, kỹ năng tổng hợp báo cáo phân tích, kỹ năng giao tiếp, truyền thông.
  • Thuần thục kỹ năng đọc, viết học thuật tốt, thông thạo tiếng Việt và tiếng Anh.

2.3.3 Chuẩn đầu ra Mức độ tự chủ và trách nhiệm (Autonomy and Resposibility)

  • Có tinh thần trách nhiệm và hợp tác trong làm việc nhóm, linh hoạt trong xử lý công việc.
  • Tận tâm và sẵn lòng chia sẻ kiến thức học được với những người muốn học hỏi.
  • Chủ động định hướng và có chính kiến trong công việc.
  • Rút kinh nghiệm và học hỏi để tiến bộ trong công việc.
  • Cởi mở, hòa đồng, ổn định về cảm xúc và có tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng. dân tộc.

Ngoài những chuẩn đầu ra trên, sinh viên tốt nghiệp đạt các chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ, tin học, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng như sau:

  • Đối với chương trình Tiếng Anh bán phần: Có năng lực ngoại ngữ bậc 4/6 Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam, đạt TOEIC 650/ TOELF iBT 70, IELTS 5.5, PTE 48
  • Đối với chương trình chuẩn: Có năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam, đạt TOEIC 550/ TOELF iBT 55, IELTS 5.0, PTE 40
  • Đạt chứng chỉ tin học IC3 (Internet and Computing Core Certification)
  • Đạt chứng chỉ Giáo dục thể chất
  • Đạt chứng chỉ Giáo dục quốc phòng

Sinh viên có cơ hội theo học chương trình liên kết 2.5+1.5 năm với trường Portland  State University (USA). Sau khi hoàn tất 5 học kỳ các môn học thuộc chương trình, sinh viên có thể tiếp tục sang Mỹ để học 1.5 năm để lấy bằng cử nhân Kinh tế của đại học PSU.

3. Cấu trúc chương trình

STT (Order) Nhóm nội dung
(Disciplines)
Tên học phần tiếng Việt
(Course name in Vietnamese)
Tên học phần tiếng Anh
(Course name in English)
Đại cương 50 tín chỉ General Education
Lý luận chính trị 11 tín chỉ
1 3 Triết học Mác – Lênin Marxist-Leninist Philosophy
2 2 Kinh tế chính trị Mác – Lênin Marxist-Leninist Political Economics
3 2 Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam Ho Chi Minh’s Ideology
4 2 Tư tưởng Hồ Chí Minh Scientific Socialism
5 2 Chủ nghĩa xã hội khoa học History of Vietnamese Communist Party
Ngoại ngữ 16 tín chỉ Foreign language
6 4 Tiếng Anh giao tiếp thương mại HP1 English for Business Communication 1
7 4 Tiếng Anh giao tiếp thương mại HP2 English for Business Communication 2
8 4 Tiếng Anh giao tiếp thương mại HP3 English for Business Communication 3
9 4 Tiếng Anh giao tiếp thương mại HP4 English for Business Communication 4
Kinh tế học 6 tín chỉ
10 3 Kinh tế vi mô Microeconomics
11 3 Kinh tế vĩ mô Macroeconomics
Toán-Thống kê trong kinh tế và kinh doanh 8 tín chỉ
12 3 Toán dành cho kinh tế và quản trị Mathematics for Business and Economics
13 3 Thống kê ứng dụng trong kinh tế và kinh doanh Applied Statistics for Business and Economics
14 2 Khoa học dữ liệu Data Science
Kinh doanh và luật 9 tín chỉ
15 3 Luật kinh doanh The Legal Environment of Business
16 3 Nguyên lý kế toán Principles of Accounting
17 1 Khởi nghiệp kinh doanh Entrepreneurship
Kỹ năng mềm
18 2 Kỹ năng mềm Soft Skills
Kiến thức cơ sở ngành Kinh tế 39 tín chỉ
Kiến thức bổ trợ
19 3 Tài chính doanh nghiệp Corporate Finance
20 3 Thị trường tiền tệ và thị trường vốn Financial markets
21 3 Môn học tự chọn UEH 1 Breadth 1
22 3 Môn học tự chọn UEH 2 Breadth 2
23 3 Môn học tự chọn UEH 3 Breadth 3
Các công cụ phân tích
24 3 Tối ưu hóa Optimization (Linear programming)
25 3 Phương pháp nghiên cứu kinh tế Research Methodology
26 3 Kinh tế lượng Econometrics
27 3 Kinh tế lượng ứng dụng Applied Econometrics
28 3 Kinh tế lượng chuỗi thời gian Time Series Econometrics
29 3 Phương pháp thu thập và quản lý dữ liệu Methods of Data Collection and Management
30 3 Kinh tế quốc tế International Economics
31 3 Kinh tế phát triển Development Economics
32 3 Kinh tế nông nghiệp Agricultural Economics
33 3 Kinh tế công Public Economics
34 3 Kinh tế môi trường Environmental Economics
35 3 Lịch sử các tư tưởng kinh tế History of economic thoughts
Kiến thức chuyên ngành

Kinh tế học ứng dụng

21 tín chỉ
Kiến thức Kinh tế học ứng dụng
36 3 Kinh tế vi mô ứng dụng Applied Microeconomics
37 3 Phân tích lợi ích-chi phí Cost Benefit Analysis
38 3 Kinh tế vĩ mô ứng dụng Applied Macroeconomics
39 3 Kinh tế học quản lý nhân sự Personnel Economics
Nhánh kiến thức Kinh tế học vi mô
40a 3 Kinh tế học tổ chức ngành Industrial Organization
41a 3 Chính sách thương mại và công nghiệp Trade and Industrial Policy
42a 3 Phân tích hành vi người tiêu dùng Applied Demand Analysis
Nhánh kiến thức Kinh tế học vĩ mô
40b 3 Kinh tế vĩ mô quốc tế International Macroeconomics
41b 3 Chính sách kinh tế vĩ mô Macroeconomic policy
42b 3 Hệ thống tài chính: thể chế và thị trường Financial Markets and Institutions
 Thực tập tốt nghiệp 10 tín chỉ Internship and Thesis
43a 10 Học kỳ doanh nghiệp
43b 10 Khóa luận tốt nghiệp

4. Cơ hội nghề nghiệp

Sinh viên sau khi hoàn tất chương trình được kỳ vọng sẽ có đủ khả năng phân tích chính sách và phân tích thị trường để có thể làm việc ở những vị trí phù hợp trong các doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ.

Kinh tế học là một khối ngành khá rộng và phụ trách đào tạo nguồn nhân lực cho rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Sinh viên tốt nghiệp ngành kinh tế ra trường có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực, nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau và với đa dạng các vị trí công việc như:

  • Nhân viên kinh doanh, nghiên cứu thị trường.
  • Chuyên viên phân tích rủi ro tài chính.
  • Chuyên viên phân tích dữ liệu.
  • Nhà hoạch định tài chính.
  • Nhà nghiên cứu kinh tế.
  • Cố vấn tài chính.
  • Nhà đầu tư.
  • Nhân viên bảo hiểm.
  • Làm việc trong các cơ quan Nhà nước, các Tổ chức Quốc tế.
↪ mở rộng
Cơ quan, tổ chức
(Organization)
Vị trí việc làm
(Position)
Mô tả công việc
(Job description)
Các loại hình doanh nghiệp, các công ty nghiên cứu Nhân viên ở các bộ phận:   nhân viên kinh doanh, nghiên cứu thị trường, chuyên viên phân tích rủi ro tài chính, chuyên viên phân tích dữ liệu, nhà hoạch định tài chính. kế hoạch, chiến lược, kinh doanh, marketing.

 

Nhân viên về phân tích kinh doanh, khoa học dữ liệu

 

Phân tích và nghiên cứu thị trường; phân tích các vấn đề về nguồn vốn, và sử dụng vốn ở các công ty; quản trị hoạt động marketing, triển khai các chương trình marketing; phân tích các vấn đề về sản xuất, người tiêu dùng và người lao động.

Tổ chức cơ sở dữ liệu nội bộ, thu thập thông tin nội bộ, thông tin từ các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, thông tin khảo sát/thí nghiệm… để phân tích và hỗ trợ nhu cầu ra quyết định của các phòng ban, ban giám đốc và các bên liên quan. Áp dụng các công cụ thống kê, học máy, phân tích dữ liệu lớn với các phần mềm chuyên dụng, các ngôn ngữ lập trình

 

Ngân hàng và các tổ chức tài chính khác (quỹ tín dụng, quỹ đầu tư, công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán) Nhân viên tín dụng, nhân viên ở các bộ phận khác nhau trong ngân hàng/tổ chức tài chính

 

 

 

Chuyên viên quản trị rủi ro

 

 

 

 

 

Chuyên viên phân tích/         tư vấn đầu tư, tài chính, chiến lược

Tìm kiếm khách hàng, tư vấn, hướng dẫn về hồ sơ tín dụng, thẩm định kế hoạch, dự án cần vay vốn của khách hàng và báo cáo cấp trên, lập, theo dõi, thanh lý hợp đồng tín dụng

 

Nhận dạng và đo lường rủi ro; xây dựng các chính sách, tiêu chuẩn, công cụ để quản lý rủi ro phát sinh; phối hợp với các bên để giải quyết vấn đề khi rủi ro xuất hiện

 

Tư vấn, phân tích chiến lược, đánh giá ưu/ nhược điểm, cơ hội/thách thức, rủi ro và biện pháp hạn chế rủi ro của phương án kinh doanh, danh mục đầu tư của khách hàng cá nhân và tổ chức, lập kế hoạch và quản lý dòng tiền

Các tổ chức tư vấn/tham mưu, hoạch định và thực thi các chính sách về kinh tế của Đảng, Chính phủ, các Bộ chuyên ngành, các tỉnh, thành phố; Sở ban ngành; Ủy ban nhân dân các cấp; Các trung tâm xúc tiến thương mại-đầu tư-du lịch; Ban quản lý các dự án, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao,  các khu kinh tế. Chuyên viên ở bộ phận tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, kế hoạch-tổng hợp, tài chính, quy hoạch. Tư vấn/tham mưu, hỗ trợ phân tích và hoạch định chính sách chính sách công; đánh giá đầu tư, thẩm định các dự án đầu tư về mặt tài chính và kinh tế-xã hội… cho các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương; tập hợp, hoàn thiện các văn bản, quy trình để quản lý hành chính, báo cáo, đề xuất với các cấp có thẩm quyền; quản lý và triển khai các chính sách, chương trình, dự án.
Các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các dự án liên quan đến các vấn đề kinh tế – xã hội. Các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các dự án liên quan đến các vấn đề kinh tế – xã hội. Lên kế hoạch, triển khai, điều hành và đánh giá dự án phát triển; lâp chiến lược và thực hiện các hoạt động gây quỹ; hỗ trợ, giám sát, lập báo cáo hoạt động và tài chính ở văn phòng và địa phương.
Các viện nghiên cứu kinh tế xã hội, các trường đại học khối kinh tế Chuyên viên phân tích/quản lý/ trợ lý cho các dự án, chương trình; nghiên cứu viên.

 

 

 

 

 

 

 

 

Giảng viên

Lên kế hoạch, triển khai, điều hành và đánh giá dự án nghiên cứu, các chương trình hành động của viện nghiên cứu, lâp chiến lược và thực hiện các hoạt động gây quỹ; hỗ trợ, giám sát, lập báo cáo hoạt động và tài chính ở văn phòng và địa phương

Giảng dạy và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực kinh tế, đầu tư, chính sách.

5. Học phí

Thông tin về học phí và học bổng được đăng tải trên hệ thống của trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, vui lòng click vào đây để có thông tin mới và chính xác nhất.

6. Điều kiện tuyển sinh

Thông tin về về điều kiện tuyển sinh được đăng tải trên hệ thống của trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, vui lòng click vào đây.

7. Quy trình nhập học

Thông tin về quy trình nhập học được đăng tải trên hệ thống của trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, vui lòng click vào đây.

8. Các chia sẻ của các cựu sinh viên trong chuyên ngành

➕ Mai Kiên Trung - cựu sinh viên Kinh tế học K38, đã tốt nghiệp cao học Việt Nam Hà Lan và hiện đang làm nghiên cứu viên.


Xin chào các bạn Kinh Tế Học. Mình là Kiên Trung, cựu sinh viên kinh tế học K38. Đầu tiên, xin chào các bạn, những sinh viên thông minh và can đảm đã lựa chọn Kinh tế học làm hành trang trên con đường khám phá tri thức. Hiện tại, điều làm các bạn bâng khuâng nhất có lẽ là quyết định theo học Kinh tế học, và trở thành một kinh tế gia trong tương lai. Quyết định của các bạn đúng hay sai, có lẽ phải đợi chính bản thân mỗi người trải nghiệm. Với tư cách là một cựu sinh viên Kinh tế học, mình có vài dòng chia sẻ với các bạn, vì minh nghĩ đây là điều cần thiết.

Có lẽ một trong những lựa chọn quan trọng nhất của các bạn đam mê kinh tế là quyết định theo học tại UEH. Bởi vì các bạn đang theo học tại một trong những trường đào tạo chuyên sâu về kinh tế tốt nhất tại Việt Nam. Và có lẽ một trong số các quyết định quan trọng còn lại chính là mong muốn trở thành một nhà Kinh tế học. Có 3 lý do để các bạn cảm thấy yên tâm về quyết định của mình:

  • Thứ Nhất, bạn sẽ được giảng dạy bởi các thầy cô có chuyên môn sâu về kinh tế và có khả năng truyền thụ kiến thức tốt. Thầy cô ở UEH nói chung và Khoa kinh tế nói riêng là những người được đào tạo từ các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước, là những người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy. Thậm chí ở Khoa kinh tế, các bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các thầy cô có nhiều nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế nổi tiếng.
  • Thứ Hai, các bạn sẽ tiếp cận với chương trình học được chọn lọc kỹ lưỡng từ nội dung cho đến hình thức. Những nội dung này cũng đang được giảng dạy ở các trường đại học hàng đầu thế giới. Ngoài ra, thầy cô sẽ luôn cập nhật cho các bạn nhiều kiến thức và nội dung mới trong bối cảnh mọi thứ đang thay đổi rất nhanh chóng như hiện nay.
  • Thứ Ba, các bạn sẽ là thành viên trong một môi trường học tập lấy đạo đức làm nền tảng, tôn vinh vẻ đẹp tri thức, ủng hộ tính sáng tạo và đề cao tinh thần tương trợ. Những tiêu chí này đã trở thành nét đẹp truyền thống của Khoa kinh tế nhiều năm qua, nơi mà sẽ mang lại cho các bạn cảm giác của một gia đình thứ hai. Nếu bạn có nhiều tiền, bạn có thể thuê một giảng viên giỏi và mua một quyển giáo trình tốt, nhưng bạn không thể mua được những thứ vốn đã không thể cân đo bằng vật chất. Một ngày nào đó, bạn sẽ cảm nhận được những gì mình nói.

Mình chưa nói nhiều đến Kinh tế học, bởi vì mình muốn dành một không gian riêng cho nó. Sẽ có nhiều quan điểm khác nhau về Kinh tế học, nhưng đối với những gì mình đã trải nghiệm từ khi tiếp cận bộ môn này, mình muốn chia sẻ một số quan điểm cá nhân về Kinh tế học.

Nếu ai đó hỏi Kinh tế học là gì, mình sẽ trả lời là bộ môn giúp bạn có một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn nhờ vào việc cải thiện khả năng ra quyết định. Kinh tế học sẽ dạy bạn cách sử dụng tốt nhất những nguồn lực giới hạn mà bạn đang có. Đây chính là định nghĩa mà mình nghĩ dễ hiểu và đúng nhất. Các bạn sẽ được học cách làm sao hiểu được những lựa chọn đời thường nhất cho đến những cơ chế vận hành phức tạp của nền kinh tế. Các bạn sẽ biết cách ra quyết định tốt hơn cho cuộc sống và tìm thấy nhiều cơ hội đầu tư ở nền kinh tế. Vì vậy, học Kinh tế học là học cách tư duy. Mà chính các bạn cũng đã biết, tư duy chính là thứ làm nên sự khác biệt của một con người. Đặc biệt trong nền kinh tế tri thức hiện nay, tư duy là chìa khoá vạn năng để mở mọi cách cửa.

Lời cuối, mình chúc các bạn sức khoẻ và gặt hái được nhiều thành công trong thời sinh viên tươi đẹp này nhé.

Mai Kiên Trung – Thạc sĩ kinh tế học VNP (Vietnam – The Netherlands Programme), cựu sinh viên Kinh tế học K38.

➕ Huỳnh Huy Thục - cựu sinh viên Kinh tế học K38, đang là học viên cao học của đại học Queensland, Úc

“Trước hết mình xin chúc mừng các bạn UEHers đang theo học chuyên ngành Kinh tế học (Economics) tại UEH. Các bạn thật sự rất may mắn khi được học tại một trong những khoa kinh tế lâu đời nhất và cũng như hàng đầu về đào tạo Economics tại Việt Nam hiện nay. Đạt được thành tựu đó chính là nhờ vào sự nổ lực và chất lượng của đội ngũ giảng viên  Khoa Kinh Tế với hầu hết các Thầy/ Cô đã tốt nghiệp các chương trình đào tạo Economics từ các nước tiên tiến trên thế giới như Canada, Hà Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Thụy Điển,… Mình và các bạn đã có được vinh dự và may mắn đó!

Vậy theo các bạn ngành học Economics các bạn đang theo học đặc biệt so với những ngành kinh tế khác tại UEH?

Theo cá nhân mình thì trước hết, một cách rõ ràng rằng, các bạn sẽ được cung cấp đầy đủ các lý thuyết kinh tế để từ đó có thể hiểu được, lý giải và phân tích được các hành vi kinh tế và cũng như cách nền kinh tế vận hành.

Điểm khác biệt đáng kể khác đó là việc ra quyết định của các bạn sẽ tốt hơn rất nhiều sau khi trải qua hơn 3 năm học cùng với chuyên ngành Economics tại UEH. Với các môn học như Microeconomics, Game Theory, Cost – Benefit Analysis… sẽ trang bị và đào tạo cho các bạn khá đầy đủ về những kỹ năng tư duy, lập luận tốt hơn để từ đó đưa ra các quyết định cá nhân hợp lý hơn trong cuộc sống hằng ngày. Điều mà theo mình là rất quan trọng!

Và điều đặc biệt hơn nữa đó là là sự hỗ trợ tận tâm từ phía các Thầy Cô tại Khoa Kinh tế sẽ là một nguồn đông lực to lớn và quý giá mà các bạn sinh viên có thể nhận được trong quá trình học tập tại một ngôi trường hàng đầu và danh giá về đào tạo Kinh tế tại Việt Nam hiện nay.

Thân mến,

Huỳnh Huy Thục – Cựu sinh viên K38, chuyên ngành Kinh tế học, khoa Kinh tế (UEH)- hiện đang theo học thạc sĩ Kinh tế học tại đại học Queensland, Australia.

➕ Lâm Nguyễn Song Nguyên - thủ khoa Đại học Kinh tế TP.HCM 2018, đang theo học tại Đại học Melbourne, Úc

Kính gửi các em sinh viên tương lai,

Khi các em đang đọc dòng này, anh nghĩ đa số các em đang tìm hiểu về ngành nghề và xác định con đường đại học dành cho mình. Chọn trường không hề là quyết định dễ dàng, vì anh đã từng là các em, đã từng lơ mơ về ngành nghề của mình. Anh hy vọng những điều chia sẻ sau đây ít nhiều sẽ giúp ích và cho các em một góc nhìn mới.

Anh tiếp xúc Kinh tế học lần đầu tiên thông qua Kinh tế học hành vi – sự kết hợp giữa Kinh tế học và Tâm lý học. Anh biết đến nó thông qua đọc sách, và quyển đầu tiên anh đọc là Phi Lý Trí của Dan Ariely. Kinh tế học hành vi hấp dẫn anh vì tính thực tiễn xen lẫn các yếu tố tâm lý. Con người chúng ta suy nghĩ gì khi thực hiện giao dịch? Tại sao chúng ta sẵn sàng trả 70.000 cho 1 ly cafe Starbuck trong khi cà phê Việt Nam nổi tiếng nhất nhì thế giới và chỉ tốn 10.000 ở các quán nhỏ? Chúng ta hạnh phúc khi nào, khi “đạt điểm cao” hay khi “đạt điểm cao hơn bạn bè”?

Với những ý niệm mơ hồ về kinh tế và sự hứng thú ban đầu với Tâm lý học, anh đăng ký UEH với chuyên ngành Kinh tế học ứng dụng, bởi lý do đơn giản đó là trường đại học duy nhất với ngành kinh tế duy nhất có cụm từ “ứng dụng” đi kèm. Anh không thích sự xô bồ trong giới kinh doanh hay sự biến động trong giới tài chính, nên anh nói không với các ngành nghề như “Quản trị kinh doanh”, “Kinh tế thương mại”, “Kinh tế đầu tư”, v.v.

Năm 2018, anh thi UEH và đạt danh hiệu thủ khoa. Nhờ đó, anh được biết đến các Thầy Cô và các anh chị giỏi trong ngành. Họ là những người đã truyền động lực và niềm yêu thích Kinh tế học cho anh, và giúp anh theo con đường đó tới tận bây giờ.

Khi đọc câu chuyên trên, các em sẽ thấy rất nhiều nút thắt dẫn đến con đường anh đi bây giờ. Trong quyển sách “Thiên Nga Đen”, Nassim Taleb đề cập tới các hiện tượng hoàn toàn ngẫu nhiên, không thể dự đoán được nhưng lại có tác động to lớn, và ông gọi đó là các Thiên Nga Đen. Điều anh muốn nói là anh chọn được ngành thích hợp (tới hiện giờ anh cho là vậy) bởi vì có những “Thiên Nga Đen” dẫn anh tới điều đó.  Nếu anh không đọc quyển sách về Kinh tế học hành vi thì liệu anh có theo ngành kinh tế? Nếu anh không biết đến chuyên ngành Kinh tế học ứng dụng thì liệu anh có đăng ký UEH? Nếu anh không may mắn thi đậu thủ khoa thì liệu anh có biết đến các anh chị Thầy Cô – những người đã truyền cảm hứng cho anh theo con đường này? Nếu không có họ, anh đã có thể bỏ cuộc.

Nếu các em chưa có định hướng đại học cho mình, các em nên biết rằng điều đó là hoàn toàn bình thường, nhất là trong thực trạng định hướng nghề nghiệp không tốt hiện nay. Đừng ngần ngại tìm hiểu thông qua đọc sách, hãy đọc những gì các em thích, hoặc đi tình nguyện, đi trải nghiệm, biết đâu chúng là những Thiên Nga Đen tích cực giúp em định hướng được nghề nghiệp. Và các em cũng đừng lo lắng quá về vấn đề chọn sai ngành, các em nên biết rằng mình luôn có thể thay đổi, hoặc các em có thể vừa học ngành không thích và vừa làm điều mình thích. Anh đã biết rất nhiều anh chị học Kinh tế học nhưng rất thích và rất giỏi Marketing. Và hơn thế nữa, biết đâu các em sẽ gặp những Thiên nga Đen tích cực ngay cả khi chọn sai ngành (Ví dụ: một đứa bạn của anh đã gặp được bạn đời ở trường đại học khi nó rớt Y dược và phải học trường ĐH Nguyễn Tất Thành; Và anh đã gặp một người dự định học Sư phạm nhưng do hoàn cảnh gia đình anh đó phải nghỉ học, đi làm và sau đó đăng ký học UEH – và giờ đây anh đó đang làm cho World Bank).

Nếu các em đã có niềm yêu thích và định hướng đại học cho mình, điều này quá tốt. Trong quyển Thiên Nga Đen, Nassim Taleb có khuyên mình hãy nắm bắt mọi cơ hội trong cuộc sống, dù cơ hội đó còn mơ hồ. Trong quá trình học, nắm bắt mọi cơ hội được giao tiếp với Thầy Cô, kết bạn mới, có thể là những Thiên Nga Đen tích cực cho các em đó.

Một lời kết, hãy xem những điều anh viết ở trên là gợi ý thay vì là lời khuyên vì mỗi người chúng ta sẽ gặp những “Thiên Nga Đen” khác nhau và sẽ có những quyết định khác nhau. Anh chúc các em sẽ gặp (hoặc tạo được) những “Thiên Nga Đen” tích cực, và hạnh phúc với quyết định của mình.

➕ Nguyễn Xuân Định, cựu sinh viên Kinh tế học K39, được học bổng Fulbright và đang theo học Thạc sỹ Kinh tế học sức khỏe tại Đại học George Washington, Hoa Kỳ.

“Học Kinh tế học để làm gì?”, “Học xong ra trường có kiếm được tiền?” Đây chỉ là một trong số ít nhưng câu hỏi mà bản thân mỗi sinh viên đều phải đối mặt khi chọn ngành Kinh tế học. Nhiều năm liên tiếp, tỉ lệ chọn Kinh tế học làm chuyên ngành chính chỉ vỏn vẹn khoảng 0.03% đến 0.1%, nghĩa là mỗi năm chỉ có vài sinh viên thực sự muốn theo đuổi ngành này.

Tại sao nhiều người lại “ghét” ngành học này đến vậy? Bởi vì khi mọi người nhìn vào ngành Kinh tế học thì họ chỉ nghĩ về những kiến thức suôn, những kiến thức không thể được áp dụng được vào thực tế mà không nhận ra được những gì mà chuyên ngành Kinh tế học cùng đội ngũ giảng viên sẽ cung cấp cho người học, nhưng kiến thức cực kì hữu ích và thực tiễn.

Trong lúc còn là sinh viên tại Khoa Kinh tế, mình đã rất may mắn khi được các thầy cô trong khoa giới thiệu những bước đầu chập chững làm quen với chuyên ngành. Thầy cô đã giúp mình nhận ra rằng Kinh tế học khác biệt với những chuyên ngành khác ở chỗ nó không dạy ta những kiến thức nghiệp vụ nhàm chán mà cung cấp cho chúng ta sự hiểu biết về cách một nền kinh tế hoạt động. Nhưng thứ nhường như rất đơn giản nhưng dưới ánh nhìn của Kinh tế học thì sẽ cực kì thú vị. Những kiến thức này sẽ cực kì quan trọng cho chúng ta sau này khi đến làm việc ở những công ty có độ canh tranh cao, ở nhưng nơi không xem trọng những công việc lặp đi lặp lại mà họ cần những cá nhân có khả năng sáng tạo cao, những nhà kinh tế học với cái nhìn sâu rộng.

Sau khi ra trường, mình bắt đầu công việc chính thức đầu tiên với vai trò là thực tập sinh tại Phòng Thương vụ thuộc Bộ Thương mại Hoa Kì ở TP. HCM. Công việc này đã khẳng định một lần nữa tầm quan trọng của kiến thức kinh tế học trong thực tiễn. “Tại sao một công ty Hoa Kì lại chọn đầu tự tại thị trường miền Nam Việt Nam thay gì thị trường miền Bắc?”, “Tại sao một số công ty không mở chi nhanh chính thức tại Việt Nam mà chỉ mở văn phòng đại diện?”, “Tại sao một công ty Hoa Kì lại chọn công ty A ở Việt Nam để hợp tác chứ không phải là công ty B?” Đây là vô vàn số câu hỏi mà mình phải đổi mặt khi làm việc mỗi ngày và nếu như không có một cái đầu suy nghĩ logic như một nhà kinh tế thì có lẽ mình đã không thể nào tiến xa hơn nữa trong công việc.

Hiện tại mình đang chuẩn bị làm việc cho Acumen LLC, công ty chuyên phân tích dữ liệu y tế cho chính phủ liên bang của Hoa Kì, với trọng trách là một người lập trình thống kê. Nhưng! Ngành Kinh tế học thì liên quan gì đến lập trình thống kê trong y tế? Và đây chính là điểm mạnh nhất của chuyên ngành Kinh tế học. Như đã nói, ngành này sẽ chủ trọng dạy cho bạn tất cả những kiến thức nền cần thiết để hiểu rõ mọi thứ xung quanh mình đang xoay chuyển và chuyển đổi như thế nào dưới một góc nhìn của nhà kinh tế. Nó như một sải cánh giúp bạn vương xa và cao, từ đó có thể chuyển hóa và làm bất kì một công việc nào bạn yêu thích.

9. Liên hệ

👩‍🏫 Văn phòng Khoa Kinh Tế, Trường Đại học UEH, lầu 10

🏢 279 Nguyễn Tri Phương, Q.5

📩 kkt@ueh.edu.vn