Back

Toạ đàm: “Chính sách lao động – việc làm trong điều kiện bình thường mới”

Đại dịch Covid 19 đã và đang gây nhiều tác động đến mọi mặt trong đời sống của chúng ta, trong đó, lao động việc làm là một trong những vấn đề rất được quan tâm. Với mong muốn tạo kênh trao đổi, cũng như chia sẻ các giải pháp phục hồi và thích ứng với trạng thái “bình thường mới” trong bối cảnh đại dịch COVID-19 của Việt Nam nói chung, vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã tổ chức buổi Toạ đàm khoa học với chủ đề “Chính sách lao động – việc làm trong điều kiện bình thường mới”. Chương trình được trực tuyến trên nền tảng Cisco Webex sáng ngày 17/12/2021 với sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp từ các tỉnh thành Đông Nam bộ và ĐBSCL.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, GS.TS. Sử Đình Thành – Hiệu trưởng UEH nhấn mạnh: “Chuỗi tọa đàm chính sách là một trong những hoạt động mà UEH mong muốn đóng góp vào quá trình khôi phục kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và vùng Nam Bộ nói chung. Tọa đàm cũng là cơ hội để kết nối khoa học với thực tiễn, là nền tảng cho mối quan hệ lâu dài giữa cơ sở nghiên cứu, các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, để giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội hiện nay, cũng như xây dựng chiến lược cho sự phát triển kinh tế trong dài hạn.”

GS.TS. Sử Đình Thành – Hiệu trưởng UEH phát biểu khai mạc tọa đàm

Nhóm nghiên cứu của UEH, bao gồm TS. Phạm Khánh Nam, TS. Trương Đăng Thụy, TS. Hồ Quốc Thông, TS. Nguyễn Quang và TS. Trần Mỹ Minh Châu, đã trình bày các tính toán ước lượng thiệt hại lao động việc làm trong thời gian giãn cách từ tháng 5-10/2021, phân tích xoay quanh khía cạnh cung, cầu lao động và dự báo dịch chuyển lao động tại TP.HCM.

Nhóm nghiên cứu của UEH trình bày

Sau các phân tích tổng hợp này, TS. Nguyễn Văn Lâm – Phó giám đốc sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã chia sẻ các kinh nghiệm thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo và tạo việc làm cho người lao động trở lại làm việc sau giãn cách tại TP.HCM. Ông đúc kết kinh nghiệm thực hiện chính sách lao động và việc làm của TP.HCM xoay quanh 5 trụ cột: (1) thông tin thị trường lao động; (2) đào tạo kỹ năng nghề nghiệp; (3) hỗ trợ lao động ngoại tỉnh quay lại TP.HCM làm việc; (4) Kết nối liên kết vùng trong điều tiết cung cầu lao động; (5) hỗ trợ người lao động tự tạo việc làm.

TS. Nguyễn Văn Lâm – Phó giám đốc sở LĐ-TB-XH TP.HCM chia sẻ

Dưới góc độ của các tỉnh có di cư lao động đến các thành phố lớn, trong đợt giãn cách, lao động trở về và sau giãn cách họ muốn trở lại lao động tại các thành phố lớn thì địa phương có những chính sách như thế nào? Ông Nguyễn Quang Thuân – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đăk Lăk đã chia sẻ kinh nghiệm đưa lao động từ Đắk Lắk trở lại các tỉnh phía Nam.

Ông Nguyễn Quang Thuân – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đăk Lăk chia sẻ kinh nghiệm

Để có thông tin toàn diện về vấn đề lao động việc làm từ góc nhìn của người sử dụng lao động, ông Trương Quốc Bình – Phó Tổng Giám đốc Thái Hòa Foods, tỉnh Sóc Trăng đã chia sẻ kinh nghiệm doanh nghiệp tổ chức lao động sản xuất trong thời kỳ dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp, với việc tổ chức lao động hợp lý, đưa ra những giải pháp kịp thời cũng sẽ giúp cho người lao động yên tâm hơn trong cuộc sống.

Dựa trên phân tích từ nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm chính sách từ các nhà quản lý lao động, TS. Phạm Khánh Nam thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày các kiến nghị chính sách về lao động việc làm trong giai đoạn bình thường mới. Ba nhóm chính sách mới được nhóm nghiên cứu đề xuất bao gồm: (1) Tổ chức cung cấp việc làm công để giải quyết nhanh vấn đề an sinh và việc làm cho nhóm lao động bị ảnh hưởng nặng nề; (2) Dùng các công cụ khoa học hành vi thu hút người lao động quay lại làm việc; và (3) xây dựng nền tảng công nghệ kết nối cung cầu lao động phổ thông.

TS. Phạm Khánh Nam thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày các kiến nghị chính sách về lao động việc làm trong giai đoạn bình thường mới

Phần thảo luận trong 30 phút diễn ra rất sôi nổi với nhiều vấn đề cử tọa đặt ra như liên kết vùng trong điều tiết cung cầu lao động, quản lý dòng vốn đầu tư hướng đến giải quyết việc làm, xác định nhu cầu đào tạo, đánh gia hiệu quả của chính sách tạo việc làm công, chính sách bảo hộ lao động khu vực phi chính thức, quy định lao động trong doanh nghiệp,…

Tin, Ảnh: Khoa Kinh tế UEH, Phòng Marketing – Truyền thông

Cơ quan báo chí đưa tin: 

1. Thời báo Kinh tế Sài Gòn: Người lao động và hộ kinh doanh TPHCM ‘mất’ hơn 220.000 tỉ đồng vì giãn cách xã hội

2. Người Lao động: Bảo đảm tiền lương, phúc lợi cho người lao động