1. Giới thiệu

📈 Xã hội có nhu cầu nhân lực kinh doanh nông nghiệp?

Nhu cầu nông sản của thế giới sẽ tăng thêm khoảng 15% vào năm 2030 do sự gia tăng dân số. Việt Nam hiện đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á và chiếm vị trí thứ 13 thế giới về sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Những nỗ lực không ngừng của Chính phủ trong việc trong việc hợp tác song phương và đa phương từ năm 1993 đến nay đã mang lại nhiều thành tựu quan trọng trong thương mại quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết và triển khai 17 Hiệp định thương mại tự do. Nông nghiệp là một trong những ngành được hưởng lợi rất nhiều từ các Hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định CPTTP và Hiệp định EVFTA. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản gia tăng đáng kể từ 30.45 tỳ USD vào năm 2015 lên 41.25 tỷ USD vào năm 2020. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng lên 50 tỷ USD vào năm 2025 và 62 tỷ USD vào năm 2030.

⤵ mở rộng

Trong mười năm tới, ngành nông nghiệp Việt Nam phấn đấu sẽ có hơn 40% các sản phẩm xuất khẩu mang thương hiệu quốc gia, 70% sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, và 60% giá trị xuất khẩu qua chế biến và chế biến sâu. Nói cách khác, ngành nông nghiệp sẽ phải được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp tầm cỡ thay vì hơn 9 triệu nông hộ cá thể trong việc thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam. Để đạt được những mục tiêu này, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp như Quyết định 62/2013/QĐ-TTg, Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị quyết 120/2017/NQ-CP, Quyết định 813/2017/NQ-NHNN, Nghị định 57/2018/NĐ-CP, Nghị định 58/2018/NĐ-CP, Nghị định 98/2018/NĐ-CP, Nghị quyết 53/2019/NQ-CP, … Ngành nông nghiệp trong tương lai gần sẽ do khoảng 3.000 đến 4.000 doanh nghiệp quy mô lớn trong tổng số 80.000 đến 100.000 doanh nghiệp nông nghiệp giữ vai trò đầu tàu để Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới và đưa nông sản Việt đến mọi siêu thị trên quả địa cầu. Để vẽ bức tranh này chúng ta không trông chờ vào một danh họa tài ba mà cần một nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là các nhà quản lý kinh tế nông nghiệp, các nhà khoa học kỹ thuật nông nghiệp, các nhà quản trị hợp tác xã mà còn là các nhà kinh doanh nông nghiệp theo cơ chế thị trường.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến năm 2025 ngành kinh doanh nông nghiệp cần đào tạo 10.000 cán bộ quản lý kinh tế nông nghiệp, 80.000 cán bộ hợp tác xã nông nghiệp, 100.000 nông dân thế hệ mới có tư duy ‘kinh tế nông nghiệp’, và 60.000 người làm dịch vụ kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Nguồn nhân lực này phải đáp ứng yêu cầu về kiến thức và các kỹ năng kinh doanh nông nghiệp như phân tích chuỗi giá trị hàng nông sản; phân tích lợi ích-chi phí của các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; lập kế hoạch sản xuất và chế biến; quản trị hiệu quả các hoạt động kinh doanh; nghiên cứu và dự báo thị trường, phân tích hành vi khách hàng; marketing và xây dựng thương hiệu nông sản; làm chủ các công cụ phân tích chính sách, tài chính, kế toán; có năng lực chuyển đổi số; và am hiểu môi trường kinh doanh.

🌾Tại sao UEH mở ngành kinh doanh nông nghiệp?

Một trong những sứ mệnh của UEH là nơi cung cấp cho người học các chương trình đào tạo chất lượng cao về khoa học kinh tế, kinh doanh, quản lý và luật để góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Chính vì thế, từ năm 2021 UEH mở ngành Kinh doanh nông nghiệp thay thế cho chuyên ngành Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp (thuộc ngành kinh tế) để đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp nông nghiệp ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài cung cấp nguồn nhân lực, UEH còn có sứ mệnh chuyển giao những kết quả nghiên cứu thực tiễn về lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp, mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chuyển đổi số trong nông nghiệp, … đến các doanh nghiệp nông nghiệp cũng như các bên liên quan để hướng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, hiệu quả, chất lượng, cạnh tranh và nâng cao đời sống người nông dân. Song hành với cả nước, ngành kinh doanh nông nghiệp UEH sẽ cùng góp phần giải quyết 3 thách thức lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện tại và tương lai, đó là: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, và biến đổi xu thế tiêu dùng trên thế giới.

🌟 Ngành kinh doanh nông nghiệp UEH có gì khác biệt?

🔰 Chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo được thiết kế trên cơ sở tham khảo các trường danh tiếng trên thế giới về kinh doanh nông nghiệp:

🔰 Nội dung đào tạo

Nội dung đào tạo tập trung vào các chức năng quản trị kinh doanh trong nông nghiệp hơn là các lý thuyết kinh tế nông nghiệp, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh nông nghiệp, chuyển đổi số trong nông nghiệp.

🔰 Phương pháp đào tạo

Gắn liền lý thuyết với thực tiễn thông qua phương pháp giảng dạy bằng tình huống, giảng viên doanh nhân, hội thảo chuyên đề, tham quan doanh nghiệp, chương trình mentoring và học kỳ doanh nghiệp.

🔰 Kiến thức tích hợp

Tích hợp kiến thức kinh doanh quốc tế và quản trị chuỗi cung ứng để hướng đến các chương trình song ngành giữa Kinh doanh nông nghiệp và Kinh doanh quốc tế hoặc Kinh doanh nông nghiệp và Logistics & quản lý chuỗi cung ứng.

🔰 Giáo trình, cơ sở vật chất

Sinh viên được học tập với các giáo trình bằng tiếng Anh, bản quyền quốc tế và trực tuyến 24/24 trên hệ thống thư viện thông minh; trải nghiệm trong môi trường đa văn hóa, năng động, và thụ hưởng các trang thiết bị hiện đại.

2. Mục tiêu đào tạo

Ngành Kinh doanh nông nghiệp đào tạo các kiến thức, kỹ năng và năng lực làm việc kinh doanh trong ngành nông nghiệp, thực phẩm đang trên tăng trưởng mạnh mẽ. Đây là một sự chuẩn bị lý tưởng cho các vị trí quản lý của những công ty yêu cầu nguồn nhân lực biết lấy người tiêu dùng làm trung tâm, am hiểu thương mại, sáng tạo, có định hướng quốc tế và năng lực kỹ thuật. Sinh viên được trang bị các kiến thức nền tảng về phân tích kinh tế, chiến lược kinh doanh, tài chính, marketing, quản trị con người và công nghệ, chuỗi giá trị thực phẩm, thu mua và xuất nhập khẩu nông sản. Sinh viên cũng được trang bị các kỹ năng nghiên cứu thị trường, kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo và làm việc nhóm, kỹ năng tin học, công nghệ và ngoại ngữ. Bên cạnh đó, sinh viên cũng sẽ được rèn luyện các năng lực tự chủ, tinh thần học tập suốt đời, có trách nhiệm với cộng đồng và môi trường. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc ở các bộ phận kinh doanh, marketing, chuỗi cung ứng, thu mua, dự án, đầu tư hoặc xuất nhập khẩu của các công ty sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm.

⤵ mở rộng

Đặc biệt, sinh viên trúng tuyển ngành Kinh doanh nông nghiệp có cơ hội theo học chương trình song ngành với Kinh doanh quốc tế (tại UEH – Phân hiệu Vĩnh Long) hoặc Logistics và quản lý chuỗi cung ứng (tại UEH – TP. Hồ Chí Minh). Đây là hai ngành học rất “hot” hiện nay trên thị trường lao động. Các chương trình song ngành được thiết kế theo hướng tích hợp để giúp sinh viên học chỉ trong thời gian 4 năm (144 tín chỉ) và được nhận cùng lúc 02 (hai) bằng cử nhân riêng biệt của UEH (Cử nhân Kinh doanh nông nghiệp và Cử nhân Kinh doanh quốc tế; hoặc Cử nhân Kinh doanh nông nghiệp và Cử nhân Logistics và quản lý chuỗi cung ứng). Các bằng cấp của chương trình song ngành hoàn toàn tương đương với các bằng cấp của chương trình đơn ngành. Để biết thêm chi tiết, xem chương trình song ngành của Khoa kinh tế.

🏁 Các chuẩn đầu ra

✅ Kỹ năng

  1. Thu thập, phân tích và tổ chức thông tin và các ý tưởng, và truyền đạt các ý tưởng một cách rõ ràng và lưu loát dưới hình thức nói và viết.
  2. Làm việc hiệu quả với những người khác trong các nhóm đa dạng để hướng đến một kết quả chung.
  3. Sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo trong giao tiếp kinh doanh và tham khảo các tài liệu chuyên môn (TOEIC 500).
  4. Sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông một cách hiệu quả và thích hợp trong học tập và công việc (IC3).
  5. Xác định, trích xuất, phân tích và đánh giá thông tin từ nhiều nguồn khác nhau; thực hiện các nghiên cứu trong kinh doanh nông nghiệp.
  6. Vận dụng các tư duy phản biện, thực tiễn và sáng tạo để phân tích và phê bình các tranh luận hoặc tình huống; giải quyết các vấn đề hoặc đưa ra các quyết định; tạo ra các ý tưởng, sản phẩm hoặc quan điểm mới.

✅ Kiến thức

  1. Hiểu các khái niệm và nguyên lý nền tảng của kinh tế, quản trị, marketing và tài chính trong kinh doanh nông nghiệp.
  2. Áp dụng các kiến thức được học để quản lý các hoạt động và dự án kinh doanh nông nghiệp trong kỷ nguyên số.
  3. Tích hợp các chức năng kinh doanh, các khái niệm và quan điểm từ nhiều lĩnh vực khác nhau trong chương trình đào tạo và trong cuộc sống.

✅ Mức độ tự chủ và trách nhiệm

  1. Tương tác hiệu quả hơn với bản thân và người khác (trách nhiệm với bản thân và xã hội), và thân thiện với môi trường thiên nhiên.
  2. Thể hiện lòng đam mê về kinh doanh nông nghiệp để phát triển các sở thích, cảm nhận và giá trị mới cho bản thân và xã hội.
  3. Phát triển năng lực học tập độc lập và học tập suốt đời để nâng cao kiến thức và các kỹ năng cho bản thân và xã hội.

3. Chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo Kinh doanh nông nghiệp được thực hiện trong thời gian 3,5 năm, bao gồm 7 học kỳ (trong đó, 6 học kỳ học phần và 1 học kỳ thực tập tốt nghiệp). Tổng số tín chỉ của toàn chương trình là 120 tín chỉ.

📚 Kiến thức giáo dục đại cương: 50 tín chỉ

Kiến thức giáo dục đại cương gồm 15 học phần, áp dụng chung cho tất cả các ngành và chuyên ngành tại UEH. Các học phần này sẽ được giảng dạy ở hai học kỳ đầu của chương trình đào tạo nhằm trang bị cho sinh viên các kiến thức tổng quát về môi trường kinh tế – xã hội, môi trường chính trị – pháp lý, cơ chế vận hành của nền kinh tế và các dạng thị trường, cách thức ra quyết định của các chủ thể kinh tế, hình thành tư duy kinh tế, hệ thống kế toán và cách ghi chép sổ sách kế toán của doanh nghiệp; nâng cao trình độ ngoại ngữ để sinh viên tự tin đọc hiểu giáo trình và tài liệu bằng tiếng Anh; cung cấp cho sinh viên phương pháp học đại học hiệu quả như tự học, làm việc nhóm, quản lý thời gian, thuyết trình, tranh luận, và viết luận; hướng dẫn sinh viên cách thức tìm kiếm thông tin, quản lý, sử dụng và phân tích thông tin hiệu quả; sử dụng thành thạo vi tính văn phòng và các phần mềm cần thiết trong công việc; rèn luyện thể chất, ý chí và phát triển cá nhân toàn diện.

1. Triết học Mác – Lênin
2. Kinh tế chính trị Mác – Lênin
3. Chủ nghĩa xã hội khoa học
4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
5. Tư tưởng Hồ Chí Minh
6. Ngoại ngữ
7. Kinh tế vi mô
8. Kinh tế vĩ mô
9. Toán dành cho kinh tế và quản trị
10. Thống kê ứng dụng trong kinh tế và kinh doanh
11. Luật kinh doanh
12. Nguyên lý kế toán
13. Kỹ năng mềm
14. Khởi nghiệp kinh doanh
15. ERP (SCM)

🚞 Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp: 60 tín chỉ

Ngoài kiến thức như được mô tả dưới đây, chương trình giáo dục chuyên nghiệp sẽ tiếp tục phát triển toàn diện các kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm như đã cam kết trong Chuẩn Đầu Ra của chương trình đào tạo.

Kiến thức cơ sở ngành kinh tế giúp cho ngành học trở nên đặc biệt so với các chương trình quản trị kinh doanh tổng hợp. Ngoài việc phát triển cao hơn tư duy kinh tế, tư duy phân tích, thì các học phần cơ sở ngành giúp sinh viên có một nền tảng vững chắc về phương pháp khoa học để phân tích và giải quyết các vấn đề trong kinh tế cũng như trong đời sống thường ngày; thu thập và xử lý các thông tin định lượng cho nghiên cứu hoặc kinh doanh bằng ngôn ngữ R, đọc hiểu và đánh giá các tài liệu học thuật ở các học phần tiếp theo. Với kiến thức kinh tế vi mô ứng dụng, sinh viên được học để có thể áp dụng vào hoạch định chiến lược kinh doanh, chiến lược định giá sản phẩm, chiến lược marketing cũng như cách ra quyết định trong các cấu trúc thị trường khác nhau hoặc thiết kế cơ chế tác động hành vi của người tiêu dùng, nhà cung cấp với vai trò của một người ra quyết định; dự đoán được một doanh nghiệp nông nghiệp sẽ nên làm gì trước những thay đổi của chính sách về thuế khóa, trợ cấp, kiểm soát giá hoặc quản lý môi trường và an toàn thực phẩm. Kinh tế vĩ mô ứng dụng đã trở thành bí kíp của những nhà đầu tư và nhà quản trị chiến lược; với sự tương tác chặt chẽ giữa các nền kinh tế, sự thay đổi không ngừng cửa môi trường vĩ mô quốc tế, sự biến động cao của giá cả các hàng hóa nông nghiệp thì việc được trang bị kiến thức kinh tế vĩ mô chuyên sâu sẽ giúp doanh nghiệp có những suy đoán hợp lý và sẵn sàng cho những cú sốc liên quan đến đầu vào và đầu ra trong quá trình sản xuất kinh doanh, hoặc ra quyết định đầu tư trên các thị trường tài chính và thị trường hàng hóa. Kinh tế quốc tế sẽ cung cấp sự hiểu biết về môi trường kinh tế, thương mại và tài chính quốc tế để giúp sinh viên giải thích được các luồng ngoại thương nông sản, tác động của các chính sách thương mại lên xuất nhập khẩu nông sản, vai trò của các hiệp định thương mại tự do, các công ty đa quốc gia đối với ngành nông nghiệp của nước đang phát triển. Cuối cùng, kinh tế học tài chính trang bị kiến thức về các thị trường tài chính, các công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; hiểu các báo cáo tài chính, giá trị tiền tệ theo thời gian, hoạch định ngân sách vốn đầu tư, cấu trúc vốn, mối quan hệ giữa lợi nhuận và rủi ro, các mô hình định giá tài sản vốn.

  1. Kinh tế vi mô ứng dụng
  2. Kinh tế vĩ mô ứng dụng
  3. Kinh tế lượng ứng dụng
  4. Phương pháp nghiên cứu kinh tế
  5. Kinh tế học tài chính
  6. Kinh tế quốc tế

Đây là các học phần cốt lỗi về các hoạt động kinh doanh của công ty nông nghiệp và vai trò của nhà quản lý doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh mang tính toàn cầu. Quản trị học sẽ cung cấp cho sinh viên những kiến cơ bản về quản trị một doanh nghiệp như chức năng của quản trị, kỹ năng của nhà quản trị, môi trường doanh nghiệp. Marketing căn bản giới thiệu về môi trường marketing, hành vi người tiêu dùng, phân khúc thị trường, chiến lược sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, chiến lược giá, kênh marketing và truyền thông marketing. Quản trị chiến lược toàn cầu giúp sinh viên có sự thông suốt về thị trường toàn cầu, môi trường của doanh nghiệp toàn cầu, đánh giá tính hấp dẫn quốc gia, xây dựng mô hình chiến lược toàn cầu và chiến lược xâm nhập thị trường. Quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu là môn học về hệ sinh thái kinh doanh, các mô hình chuỗi cung ứng toàn cầu, các chiến lược trong quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu, quản trị dự án về chuỗi cung ứng toàn cầu, nguồn cung và mua hàng toàn cầu, thiết kế và vận hành sản xuất, logistics, sản xuất tin gọn và chuỗi cung ứng bền vững. Logistics quốc tế trang bị kiến thức về quản trị kho bãi, bao bì đóng gói và các kỹ thuật chất xếp hàng hóa, quản trị vận tải, vai trò của logistics trong doanh nghiệp, tính toán chi phí logistics, quản trị logistics, hệ thống logistics quốc tế. Quản trị kinh doanh nông nghiệp giới thiệu các nội dung như môi trường kinh doanh nông nghiệp của một công ty, tổ chức của doanh nghiệp nông nghiệp; quản trị marketing, quản trị tài chính, quản trị vận hành, quản trị nguồn nhân lực, quản trị chất lượng và quản trị rủi ro trong kinh doanh nông nghiệp.

Ngoài việc cung cấp kiến thức nền tảng về quản lý các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói cung và các doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng, các học phần này được đưa vào chương trình đào tạo để có sự tương đồng cao với các ngành Kinh doanh quốc tế và Logistics & quản lý chuỗi cung ứng cho mục đích thiết kế các chương trình song ngành tích hợp.

1. Marketing căn bản
2. Quản trị học
3. Quản trị kinh doanh nông nghiệp
4. Quản trị chiến lược toàn cầu
5. Quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu
6. Logistics quốc tế

Các học phần chuyên ngành nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức mang tính định hướng nghề nghiệp trong các doanh nghiệp nông nghiệp như kinh doanh, chiến lược, dự án, tài chính, marketing, xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng, thu mua; các công ty giao dịch hàng hóa; các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp; hoặc các tổ chức nghiên cứu thị trường. Sinh viên sẽ học 6 học phần bắt buộc và ít nhất 2 học phần tự chọn.

Chiến lược kinh doanh nông nghiệp giúp sinh viên hiểu vai trò của chiến lược trong kinh doanh, phương pháp phân tích chiến lược, lập kế hoạch chiến lược, và thực thi chiến lược trong kinh doanh nông nghiệp. Dự án kinh doanh nông nghiệp giúp sinh viên nhận dạng cơ hội đầu tư, thực hành thẩm định tính khả thi của dự án đầu tư theo các quan điểm khác nhau, hoặc đánh giá tính khả thi của một dự án đầu tư với vai trò của một chuyên gia. Nghiên cứu thị trường nông nghiệp giới thiệu một số lý thuyết và mô hình thường được sử dụng trong nghiên cứu hành vi người tiêu dùng thực phẩm, hành vi của doanh nghiệp, hành vi của nông hộ cũng như các chủ đề khác liên quan đến nông nghiệp và kinh doanh nông nghiệp, cách thức thu thập và xử lý các loại dữ liệu định tính và định lượng cho các nghiên cứu, phát triển đề cương nghiên cứu cho khóa luận tốt nghiệp. Marketing và quản trị xuất khẩu nông sản tập trung vào việc phân tích môi trường xuất khẩu, các phương thức marketing xuất khẩu, chiến lược giá quốc tế, chiến lược sản phẩm quốc tế, chiến lược xâm nhập thị trường quốc tế, quản trị chuỗi cung ứng và phân phối nông sản xuất khẩu, khuyến mãi, truyền thông và marketing số, các vấn đề marketing xuất khẩu nông sản chuyên biệt của Việt Nam. Chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững giới thiệu vai trò của các chủ thể trong chuỗi cung ứng thực phẩm từ các nhà cung cấp đầu vào đến các nhà bán lẻ, phát triển và quản lý vùng nguyên liệu của các công ty nông nghiệp thực phẩm, logistics nông sản thực phẩm, thuê ngoài và thu mua nông sản thực phẩm, quản trị rủi ro trong chuỗi cung ứng, quản lý hợp đồng, các hệ thống hỗ trợ chuỗi cung ứng, đổi mới và sự bền vững trong chuỗi cung ứng thực phẩm, phân tích chuỗi giá trị nông sản, phân tích các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Thị trường hàng hóa phái sinh cung cấp sinh viên các nội dung như giả cả nông sản, biến động giá nông sản và dự báo giá nông sản; hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, quyền chọn; phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật và các chiến lược đầu tư trên thị trường giao dịch hàng hóa.

1. Chiến lược kinh doanh nông nghiệp
2. Dự án kinh doanh nông nghiệp
3. Nghiên cứu thị trường nông nghiệp
4. Marketing và quản trị xuất khẩu nông sản
5. Chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững
6. Thị trường hàng hóa phái sinh

Marketing kinh doanh nông nghiệp là áp dụng các nguyên lý marketing vào các sản phẩm nông nghiệp như chiến lược sản phẩm, chiến lược giá, kênh phân phối và chiến lược phân phối, chiến lược chiêu thị, xây dựng thương hiệu nông sản, xây dựng kế hoạch marketing nông sản. Quản lý thu mua nông sản gồm cách thức tổ chức mua hàng, nguồn hàng chiến lược; các khía cạnh của quản trị mua hàng như chất lượng, số lượng, thời gian, chi phí, thương lượng; lựa chọn nhà cung cấp, đánh giá nhà cung cấp, quản lý nhà cung cấp, quản lý hợp đồng và mối quan hệ nhà cung cấp; tìm nguồn hàng quốc tế. Tài chính kinh doanh nông nghiệp giúp sinh viên phân tích báo cáo tài chính, định giá trái phiếu, cổ phiếu, quản trị vốn lưu động, quản trị rủi ro, tài chính quốc tế và tín dụng hỗ trợ nông nghiệp. Chính sách nông nghiệp và thực phẩm phân tích vai trò của nhà nước trong nông nghiệp, các công cụ kinh tế trong phân tích chính sách nông nghiệp, bối cảnh và khung phân tích chính sách nông nghiệp Việt Nam, các chính sách nông nghiệp Việt Nam, chính sách nông nghiệp của một số quốc gia trên thế giới. Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm bàn về an toàn thực phẩm, phát triển hệ thống kiểm soát thực phẩm, các vấn đề đặc thù về an toàn thực phẩm ở các quốc gia đang phát triển, bảo vệ người tiêu dùng, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế, kiểm dịch động thực vật, truy xuất nguồn gốc, hàng rào thương mại, xử lý sự cố về an toàn thực phẩm, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm quốc gia Việt Nam, VietGAP, GlobalGAP. Thương mại nông nghiệp quốc tế giới thiệu các chính sách thương mại của các quốc gia nhập khẩu, các chính sách thương mại của các quốc gia xuất khẩu, các rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế, các đàm phán thương mại đa phương và các hiệp định mậu dịch ưu đãi, thương mại nông sản trong hội nhập, các yếu tố vĩ mô và thương mại nông nghiệp, ngoại thương nông nghiệp và môi trường, đầu tư nước ngoài và thương mại thực phẩm chế biến, các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam, thâm nhập thị trường nông sản các thành viên trong hiệp định mậu dịch ưu đãi thế hệ mới, chính trị thực phẩm.

1. Marketing kinh doanh nông nghiệp
2. Quản lý thu mua nông sản
3. Tài chính kinh doanh nông nghiệp
4. Chính sách nông nghiệp và thực phẩm
5. Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm
Thương mại nông nghiệp quốc tế

🎓 Thực tập và tốt nghiệp: 10 tín chỉ

Kỳ thực tập tốt nghiệp, kết quả hợp tác đào tạo giữa UEH, giữa khoa Kinh tế và doanh nghiệp là một hình thức của học phần “Thực tập và tốt nghiệp” và được quy định chi tiết trong chương trình đào tạo từng ngành / chuyên ngành của khoa Kinh kinh tế. Với mục đích giúp sinh viên vận dụng, cũng như củng cố và bổ sung những kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn thuộc lĩnh vực chuyên môn theo ngành học. Đồng thời, học phần này còn giúp sinh viên rèn luyện phương pháp, kỹ năng làm việc, kỹ năng tổ chức tại doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm thị trường lao động ngay sau khi kết thúc quá trình đào tạo. Trong kỳ thực tập tốt nghiệp, sinh viên có thể lựa chọn một trong hai hình thức sau: Học kỳ doanh nghiệp (thực tập theo hướng công việc) và Khóa luận tốt nghiệp (thực tập theo hướng nghiên cứu). Sinh viên phải đăng ký chọn một trong hai hình thức sau đây:

Học kỳ doanh nghiệp
Khóa luận tốt nghiệp

4. Học ngành này – Làm nghề gì?

Chương trình Kinh doanh nông nghiệp được thiết kế cho những sinh viên muốn trở thành những nhà lãnh đạo và nhà quản lý kinh doanh trong tương lai. Ngành học này sẽ trang bị cho bạn kiến thức, kỹ năng và sự tự tin cần thiết để hỗ trợ việc quản trị thành công và hiệu quả hoạt động kinh doanh của các công ty nông nghiệp trong môi trường cạnh tranh cao và không ngừng thay đổi. Sinh viên tốt nghiệp có khả năng làm việc xuất sắc cả trong khu vực tư và công thuộc ngành nông nghiệp, thủy sản và chế biến thực phẩm, cả trong và ngoài nước. Trong những năm đầu sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm việc ở các vị trí nhân viên, chuyên viên, sau đó có thể được thăng tiến lên các vị trí quản lý chủ chốt của tổ chức như:

  1. Giám đốc kinh doanh của công ty kinh doanh nông nghiệp
  2. Giám đốc chuỗi cung ứng, thu mua của công ty kinh doanh nông nghiệp
  3. Giám đốc Marketing của công ty kinh doanh nông nghiệp
  4. Giám đốc nghiên cứu thị trường của công ty kinh doanh nông nghiệp
  5. Điều phối viên xuất nhập khẩu nông sản – vật tư nông nghiệp
  6. Chuyên gia phân tích dự án đầu tư trong nông nghiệp
  7. Chuyên gia phân tích đầu tư và giao dịch hàng hóa nông nghiệp
  8. Chuyên gia phân tích chuỗi giá trị nông sản và các mô hình sản xuất-tiêu thụ nông sản
  9. Chuyên gia phân tích chính sách kinh tế và thị trường nông nghiệp.
⤵ các vị trí khác

Sinh viên cũng có thể làm việc ở các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh như phòng đăng ký kinh doanh, hợp tác kinh doanh, quản lý thị trường, quản lý kinh doanh, thanh tra thị trường; các phòng/ban thuộc các sở nông nghiệp, công thương, hoặc phòng kinh tế nông nghiệp địa phương. Ngoài ra, tự mở cơ sở kinh doanh nông sản hoặc quản lý cơ sở kinh doanh nông sản của gia đình cũng là sự lựa chọn mà bạn có thể thử sức. Với kiến thức và kỹ năng được trang bị từ Kinh doanh nông nghiệp, sinh viên tốt nghiệp hoàn toàn có thể làm việc tốt trong bất kỳ doanh nghiệp nào, không nhất thiết phải thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm.

Tùy vào vị trí và năng lực, mức lương trung bình của ngành ở các vị trí quản lý dao động từ 15 đến 30 triệu/tháng. Với sinh viên mới ra trường, mức lương dao động từ 6 đến 10 triệu/tháng. Nếu sinh viên tốt nghiệp có trình độ ngoại ngữ tốt, có năng lực và có kinh nghiệm thực tế trong quá trình đào tạo thì mức lương có thể đạt tới 12 triệu/tháng.

Với nền tảng kiến thức từ ngành Kinh doanh nông nghiệp, sinh viên tốt nghiệp dễ dàng tiếp tục học tập ở các bậc đào tạo cao hơn cả trong và ngoài nước. Các ngành mà sinh viên có thể theo học ở bậc cao học như Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Marketing, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, hoặc các ngành khác thuộc khối Kinh tế và Quản trị.

5. Liên hệ

🤝 Chương trình tại UEH – TP. Hồ Chính Minh

Khoa Kinh tế

B2.1003, 279 Nguyễn Tri Phương, P5, Q10, TP. Hồ Chí Minh

  • Điện thoại: (028) 3844 8222
  • Email: kkt@ueh.edu.vn

Quý phụ huynh và các em sinh viên nếu cần tư vấn về chương trình đào tạo, vui lòng liên hệ:

1) ThS Phùng Thanh Bình, Giám đốc chương trình
    • Điện thoại: 0943.24.10.90 (vui lòng nhắn tin trước)
    • Email: ptbinh@ueh.edu.vn
2) TS Lê Thanh Loan, Trưởng Bộ môn Kinh tế Môi trường, Nông nghiệp và Tài nguyên
    • Điện thoại: 0906.31.04.36 (vui lòng nhắn tin trước)
    • Email: loanlt@ueh.edu.vn

🤝 Chương trình tại UEH – Phân hiệu Vĩnh Long

1B Nguyễn Trung Trực, Phường 8, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

  • Điện thoại: (0270) 3823 359
  • Email: phvl@ueh.edu.vn