Back

Đưa thí nghiệm vào trong giảng dạy và nghiên cứu kinh tế

Samuelson và Nordhaus trong cuốn sách Kinh tế học nổi tiếng của mình, vào năm 1985, đã viết: “Kinh tế học… không thể thực hiện những thí nghiệm trong phòng như hóa học hay sinh học bởi vì nó không thể dễ dàng kiểm soát được các biến số ảnh hưởng. Giống như thiên văn học hay khí tượng học, kinh tế học phải bằng lòng với cái mình quan sát được” (Samulelson and Nordhaus, 1985). Đơn giản là kinh tế học phải dựa trên quan sát và suy luận. Không thể đưa kinh tế học vào phòng thí nghiệm được!

Nhưng, điều đó đã thay đổi! Giải Nobel Kinh tế học năm 2002 được trao cho Daniel Kahneman và Vernon Smith, những nhà tiên phong của kinh tế học hành vi và kinh tế học thí nghiệm. Kinh tế học thí nghiệm của Vernon Smith và những người theo trường phái này thực sự diễn ra trong phòng thí nghiệm.

Kinh tế học thí nghiệm thiết lập các tình huống được kiểm soát trong phòng thí nghiệm, sau đó nghiên cứu hành vi của chủ thể trong các tình huống đó bằng cách giả lập thị trường và các quan hệ thị trường. Kết quả từ những thí nghiệm này sẽ được tổng quát hóa cho thị trường thực.

Trong 3 ngày từ 22 đến 24 tháng 7 vừa qua, 25 học viên là sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh từ các trường đại học khắp cả nước đã được tham gia vào một lớp học thí nghiệm tương tự như thế, do Tổ chức Quốc tế về Nghiên cứu sử dụng Kinh tế học Thí nghiệm (International Foundation for Research in Experimental Economics – IFREE) với GS. Vernon Smith làm chủ tịch, phối hợp cùng khoa Kinh tế – Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) tổ chức. Giảng viên giảng dạy lớp học là các giáo sư đến từ University of Alabama, University of Alaska Anchorage, Chapman University và trường Đại học Kinh tế TP. HCM.

Học viên tham gia vào các thí nghiệm được mô phỏng giống như các hoạt động kinh tế diễn ra hàng ngày ở khắp mọi nơi trên thế giới như thị trường cung – cầu trao đổi hàng hóa, chiến lược cạnh tranh, đấu giá tài sản, kinh doanh chứng khoán, khai thác tài nguyên, đóng góp tự nguyện để xây dựng và phát triển xã hội. Sau mỗi thí nghiệm, giảng viên tóm lược và giới thiệu cơ chế lý thuyết của các hành vi trong thí nghiệm, những nghiên cứu liên quan, phân tích kết quả cũng như thảo luận những điểm tương đồng và khác biệt giữa lý thuyết và thực tế.

Giảng dạy bằng thí nghiệm thực sự rất hiệu quả vì sinh viên được đặt trực tiếp vào môi trường kinh tế mình đang học. Chẳng hạn trong một ví dụ thí nghiệm của Vernon Smith (1962), sinh viên cuối cùng sẽ nhận ra rằng giá cân bằng lý thuyết chính là giá cạnh tranh được xây dựng từ chính giao dịch mua và bán của họ trong điều kiện mọi người đều có chung một thông tin thị trường. Holt (1999) cũng cho rằng ngay cả khi thí nghiệm thất bại, nghĩa là giá giao dịch khác rất xa gia cân bằng lý thuyết thì đó cũng là thất bại thú vị: sinh viên đã chơi trò chơi và sẽ phải suy nghĩ để tìm ra những lý do thất bại. Bất kể kết quả của các cuộc thí nghiệm trên lớp, ít nhất khi tham gia, sinh viên đã thực hiện mô phỏng một giao dịch và thực hiện các tính toán lý thuyết để so sánh với kết quả thực. Thí nghiệm kinh tế học trong lớp học ở trên đã cung cấp cho sinh viên chiếc cầu nối, nối giữa lý thuyết chung và các đặc tính chủ yếu của thị trường đang được học.

Một buổi học có các thí nghiệm kinh tế hoặc trò chơi chắc chắn trở nên vui hơn, sinh động hơn, phá vỡ cấu trúc cứng nhắc của các buổi học truyền thống với giáo viên nói, vẽ đồ thị lên bảng, sinh viên chép bài và làm các bài tập đơn điệu. Lớp học sẽ trở nên ồn ào hơn, sinh viên năng động hơn, háo hức lấy giấy bút ra tính toán và thảo luận với nhau trước khi ra quyết định mua hay bán. Nhưng quan trọng hơn, những lý thuyết kinh tế sẽ trở nên rõ ràng hơn, sâu sắc hơn với sinh viên, bởi vì họ thực sự đang đứng trong nó, sử dụng nó để ra quyết định – quyết định đó dẫn đến kết quả là họ thắng hay thua trong trò chơi. Đó là những viên gạch đầu tiên cho những nghiên cứu kinh tế sử dụng phương pháp thí nghiệm trong tương lai ở Việt Nam.

Khóa học Giới thiệu về Kinh tế học thí nghiệm do International Foundation for Research in Experimental Economics (IFREE) tài trợ. Khóa học được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia hỗ trợ của khoa Kinh tế (UEH School of Economics) và Trung tâm Môi trường cho Phát triển (Environment for Development, EfD-Vietnam), Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (Economy & Environment Partnership for Southeast Asia, EEPSEA).